- Ung thư dạ dày là một căn bệnh nguy hiểm về đường tiêu hóa và có tỷ lệ mắc bệnh khá cao. Đây là căn bệnh phổ biến ở Đông Nam Á và Việt Nam nên việc tìm hiểu về bệnh ung thư dạ dày là vô cùng quan trọng.
Vậy ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là căn bệnh có thể phát triển ở bất cứ phần nào của dạ dày, có thể lan ra khắp dạ dày và đến các cơ quan khác của cơ thể; đặc biệt là thực quản, phổi, hạch bạch huyết và gan. Ung thư dạ dày mỗi năm có thể gây ra 800.000 ca tử vong trên khắp thế giới.
Mỗi tế bào lót thành trong của dạ dày đều có thể trở thành dạng ung thư. Ung thư có thể phát triển thành khối u hoặc vết loét trong dạ dày hoặc nó có thể lây lan khắp toàn bộ thành dạ dày. Ung thư dạ dày cũng được gọi là ung thư bao tử.
Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (Hp) là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư dạ dày, còn các bệnh viêm dạ dày teo màng lót do tự miễn, chuyển sản ruột (intestinal metaplasia) và nguyên nhân di truyền là các yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh.
Ung thư dạ dày thường được phát hiện ở những người từ 50 đến 70 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh của nam cao hơn nữ.
Những biểu hiện ban đầu của bệnh ung thư dạ dày khá mơ hồ và thường bị nhẫm lẫn với các biểu hiện của bệnh viêm loét dạ dày khiến cho bệnh nhân không thể phát hiện ra bệnh.
Ung thư dạ dày được chia thành bốn giai đoạn. Khi bệnh đã diễn biến đến giai đoạn bốn thì có thể lan qua gan, tụy, hạch bạch huyết và các cơ quan khác, tiên lượng rất xấu. Nếu phát hiện sớm, khả năng chữa khỏi ung thư dạ dày có thể đạt 97,1 - 100%.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, ung thư dạ dày sớm là khi tổn thương chỉ nằm ở lớp niêm mạc chưa xâm lấn vào lớp dưới. Bình thường, thành dạ dày có 4 lớp từ trong ra ngoài: lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ, ngoài cùng là lớp thanh mạc. Giữa lớp niêm mạc và dưới niêm mạc ngăn cách nhau bởi lớp cơ niêm.
Ung thư dạ dày sớm có nghĩa là chưa có di căn nơi khác vì lớp niêm mạc không có mạch máu và cũng chưa xâm lấn sang các cơ quan trong ổ bụng cũng như di căn hạch. Vì vậy, chỉ cần lấy toàn bộ phần ung thư là khỏi bệnh.
Không giống ung thư ở giai đoạn muộn, ung thư dạ dày sớm không có biểu hiện triệu chứng, thường phát hiện được tình cờ khi nội soi. Khi có biểu hiện triệu chứng như đau bụng, chán ăn, đầy bụng, xuất huyết tiêu hóa như nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen là khi ung thư đã ở giai đoạn muộn.
Các nhà khoa học đã chỉ rõ, ung thư dạ dày nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ còn dưới 10%; trong khi tỷ lệ này ở giai đoạn sớm là 97,1 - 100%. Cũng tỷ lệ này sau 5 năm bệnh nhân vẫn còn sống khỏe mạnh mà không phải điều trị hóa chất hoặc các phương pháp gì khác sau cắt tách dưới niêm mạc dạ dày qua nội soi.
Ung thư dạ dày được phát hiện giai đoạn muộn chủ yếu là phẫu thuật cắt dạ dày và sau đó phải điều trị hóa chất toàn thân, làm chất lượng cuộc sống người bệnh bị giảm đáng kể. Thậm chí, với những bệnh nhân được phát hiện muộn, ở giai đoạn cuối thì tỷ lệ sống sót trong 5 năm là rất thấp, tỷ lệ sống sót trên một năm cũng không cao.
Tuy nhiên, hiện nay khả năng tầm soát ung thư cũng như thăm khám sức khỏe định kỳ của Việt Nam không được tốt cho nên tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày trong vòng 5 năm rất cao, tới 80%, tỷ lệ này ở Mỹ là hơn 50%.
Ung thư được coi là nỗi sợ hãi kinh hoàng nhưng rất ít người quan tâm đến việc dự phòng. Hiện nay, ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư có thể phòng ngừa và điều trị tốt nếu bệnh nhân đến bác sĩ khi bệnh chưa chuyển sang giai đoạn di căn.
Khuê Minh