Điều khiến anh đau khổ nhất mỗi lần bị tác dụng phụ của thuốc tránh thai là chị lại hành anh đủ kiểu. Anh quyết định triệt sản tránh thai cho vợ.

Triệt sản thay vợ

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà - Nguyễn Xuân Trung trú tại Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội đến bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội với mong muốn triệt sản để tránh thai. Chị Hà cho biết chị đã mổ đẻ hai lần, một lần vết mổ bị bục, vì sức khỏe không cho phép nên vợ chồng chị xác định chỉ sinh hai con. Trong đời sống vợ chồng, anh chị rất hòa hợp không chê trách điều gì. Anh Trung nổi tiếng yêu vợ, thương con. Vợ mệt anh có thể làm tất cả việc nhà thay vợ.

Trong chuyện tránh thai, đây là nỗi đau đầu của vợ chồng chị Hà nhất. Chị Hà đi đến các phòng khám xin đặt vòng tránh thai nhưng không ở đâu dám đặt vì chị đã có sẹo ở tử cung sau hai lần mổ lấy thai. Uống thuốc tránh thai hàng ngày thì chị hay quên và gây tác dụng phụ khiến chị mệt mỏi, chỗ ấy cứ “khô như ngói” nên chị bỏ mà thực hiện tránh thai bằng biện pháp tự nhiên.

Tuy nhiên, trong việc tránh thai tự nhiên cũng nhiều lần dính bầu, chị lại phải đi giải quyết. Nhìn chị Hà lúc nào cũng mệt mỏi vì tác dụng của thuốc tránh thai khẩn cấp. Chị kể, quy định chỉ được dùng 3 lần /tháng, chị đã sử dụng đủ tuy nhiên mỗi lần uống xong tác dụng phụ khiến chị mệt và đau đầu, chóng mặt.

{keywords}

Chồng có thể triệt sản để tránh thai.

Với anh Trung, khi vợ bị tác dụng phụ của thuốc tránh thai anh khổ chẳng khác nào đàn ông có vợ nghén. Một tháng 2 - 3 lần uống thuốc là mất vài ngày chị “nghén ngẩm” khiến anh mệt vô cùng. Sau khi tìm hiểu các biện pháp tránh thai, chị Hà đều không hợp nên anh xung phong nhận trách nhiệm tránh thai cho vợ, đó là đi triệt sản thắt ống dẫn tinh trùng.

Anh Trung cho biết, anh đã xem các tài liệu về việc triệt sản ở đàn ông và thấy điều này là dễ dàng nhất, hơn nữa vợ chồng anh không có nhu cầu sinh thêm con. Một biện pháp vừa nhẹ nhàng vừa an toàn cho sức khỏe của cả hai vợ chồng tại sao lại không thể.

Trường hợp của anh Trần Văn Đại trú tại Phủ Lý, Hà Nam cũng tương tự. Anh Đại cho biết, vợ anh bị bệnh về tim mạch nên không thể sử dụng các loại thuốc tránh thai, đặt vòng tránh thai thì chị bị đau bụng, rong kinh nguyệt đến 2 tuần. Nhiều lần thử đặt nhưng thất bại nên anh chị tránh thai tự nhiên nhưng vẫn có bầu hai lần phải đi bỏ.

Việc bỏ thai rất nguy hiểm và về mặt tâm linh anh chị không muốn chút nào. Sau khi cân nhắc vợ chồng đã có 3 người con, anh Đại quyết định triệt sản để tránh thai cho vợ.

Triệt sản thắt ống dẫn tinh vẫn có thể có con

Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ cho biết, triệt sản thắt ống dẫn tinh là một biện pháp tránh thai ở nam giới được sử dụng ở nhiều nơi, mấy năm nay Việt Nam vẫn sử dụng nó và được nhiều nam giới Việt ủng hộ.

Từ trước tới nay, việc tránh thai, dường như các chị em phụ nữ đều đảm nhiệm nhưng trong những trường hợp như của gia đình chị Hà, anh Trung có thể san sẻ đỡ vợ việc tránh thai.

Theo bác sĩ Vệ, triệt sản không phải trở thành “thái giám” mà là thủ thuật triệt sản bao gồm thắt và cắt ống dẫn tinh, áp dụng cho những người chắc chắn không muốn có con nữa. Thủ thuật chỉ nhằm chặn đường đi của tinh trùng. Sau thủ thuật, người đàn ông vẫn quan hệ tình dục và xuất tinh bình thường nhưng trong tinh dịch không có tinh trùng nên không thể thụ thai.

Triệt sản nam là một tiểu phẫu rất dễ làm và phổ biến, bệnh nhân có thể xuất viện ngay sau đó vài giờ, tỉ lệ biến chứng cực kỳ thấp. Nhiều người cho rằng, sau triệt sản họ sẽ trở nên yếu sinh lý hay bản lĩnh đàn ông bị cắt mất, nói giọng khàn khàn. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì thực chất triệt sản không ảnh hưởng gì đến bản lĩnh quý ông.

Sau khi triệt sản, nếu sau này quý ông muốn có con, bác sĩ có thể vi phẫu mở lại nút thắt đã triệt sản. Tuy nhiên, trường hợp này rất ít nếu sau mở vẫn không thành công thì bác sĩ sẽ chọc hút tinh trùng từ mào tinh bơm vào tử cung của người vợ nếu họ thực sự muốn có con.

(Theo Phụ nữ TP.HCM)