Căng thẳng, lo âu là những trạng thái cảm xúc tồn tại thường trực trong mỗi con người, nhưng trong cuộc sống hiện đại, những cảm xúc này có điều kiện thuận lợi để kéo dài với mức độ nặng hơn, tác hại không nhỏ tới chất lượng cuộc sống.

Báo động đỏ về stress

Theo số liệu khảo sát thực tế của Hoffmann-La Roche năm 2002, tỷ lệ bình quân người bị stress ở Việt Nam là... 52%. Riêng Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ lần lượt là 55% và 52%.

Một khảo sát khác thực hiện ở các trường cấp 3 nội thành TP.HCM cũng công bố số liệu đáng ngại: 21% học sinh trung học bị trầm cảm.

Gần đây, kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2008 cho thấy, trong số hơn 10.000 thanh thiếu niên có hơn 73% người từng có cảm giác buồn chán, hơn 4% từng nghĩ đến chuyện tự tử.

BS.Nguyễn Văn Dũng - Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Trong điều kiện bình thường như những năm trước đây, tỉ lệ số người bị trầm cảm, rối loạn tâm thần chiếm khoảng 1% dân số. Vài năm trở lại đây, bệnh nhân có xu hướng trẻ hóa nhanh chóng. Trong số các bệnh nhân bị tâm thần/có dấu hiệu tâm thần phải vào viện khám và điều trị, có tới 47% là người trẻ (dưới 30 tuổi)”.

{keywords}

Chưa nhận thức đúng về stress

Stress là một biểu hiện của rối nhiễu tâm trí, có thể tấn công bất kỳ ai, song theo TS. Trần Tuấn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo Phát triển Cộng đồng, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) thì một trong những nguyên nhân khiến stress và các bệnh về tâm thần gia tăng là do hiểu biết của người Việt về sức khỏe tâm thần rất hạn chế, thậm chí sai lạc ngay cả trong đội ngũ nhân viên y tế.

Khi nói đến “bệnh tâm thần” đại đa số nghĩ đến đó là những người “ đang nằm điều trị tại các bệnh viên tâm thần, hoặc ở nhà nhưng bạn luôn phải để mắt đến”, … Đặc điểm chung của những người này là có rối loạn hành vi, nhân cách, ngôn ngữ, không có khả năng chịu sự điều chỉnh của pháp luật, vv…

Theo ông Tuấn, thực tế, người “tâm thần” theo cách hiểu ở trên chỉ chiếm một bộ phận nhỏ, phần nổi của một tảng băng chìm của rối nhiễu tâm trí (mental disorders) - khái niệm hiện đại về bệnh tâm thần.

Nếu hiểu theo cách này thì toàn bộ những lo âu, căng thẳng, stress đều được xếp vào nhóm bệnh tâm thần.

{keywords}

Tác hại khôn lường

Thực tế như trên khiến nhiều người chủ quan khi bị stress tấn công dẫn đến không được chăm sóc kịp thời, đầy đủ.

Theo BS. Nguyễn Văn Dũng, stress ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống trên mọi phương diện, thậm chí có những trường hợp vì stress kéo dài quá lâu, không được tư vấn khám chữa kịp thời nên đã để lại những hậu quả đau lòng (như tự tử vì bi quan, tiêu cực, chán sống, không kiểm soát được hành vi, …).

Còn theo TS. Trần Tuấn, thực tế nghiên cứu của ông cho thấy trong số 500 thai phụ tại tỉnh Hà Nam (45,6% là nông dân) có đến gần 40% thai phụ gặp các rối loạn tâm thần phổ biến ở giai đoạn đầu thai kỳ. Đến cuối thai kỳ, tỷ lệ này còn gần 29%. Trong khi đó, tỷ lệ rối nhiễu tâm lý chung của người dân Việt Nam dao động khoảng 12-15%. Thậm chí đã có những bà bầu tự tử vì stress khi mang bầu.

Stress ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của toàn cơ thể như tim, não, phổi, mắt, da, lưng – cổ, dạ dày, răng miệng, … Stress gây chứng mất ngủ, giảm trí nhớ, cao huyết áp, béo phì, cơ bắp căng cứng, mệt mỏi rã rời. Quan trọng hơn cả, stress từng bước làm thui chột khả năng tư duy, trí nhớ, khả năng tự kiểm soát, phán đoán của người bệnh, đồng thời dễ làm mất đi niềm tin vào cuộc sống, cướp mất nghị lực, ý chí vươn lên.

Vì thế, BS.Dũng khuyến cáo ngoài việc tìm cách tự cân bằng cuộc sống để giảm thiểu các nguy cơ mắc stress thì mỗi người cần có những kiến thức đúng đắn, đầy đủ về stress để có thể tự mình nhận biết và đến cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời khi cần thiết.

Chương trình bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em

Là một trong những chương trình thuộc Dự án 1 (Phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng) của Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012 – 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2012.

Chương trình này đặt mục phát hiện sớm, quản lý và điều trị sớm cho 90% số bệnh nhân động kinh trong toàn quốc; Triển khai và quản lý 90% số xã về bệnh nhân động kinh trong toàn quốc; Điều trị ổn định, chống tái phát cho 85% số bệnh nhân động kinh được phát hiện và quản lý; Phục hồi chức năng, giảm tỷ lệ mãn tính tàn phế xuống dưới 20% số bệnh nhân động kinh được phát hiện và quản lý.

Yến Ngọc