Rau má có công dụng giải nhiệt nên được nhiều người lựa chọn sử dụng làm nước giải nhiệt, nhất là trong những ngày nắng nóng, nếu uống nhiều sẽ gây lạnh bụng, tiêu chảy.

Chị Nguyễn Thị Thu trú tại Hoàng Đạo Thuý, Hà Nội phải cấp cứu tại BV Xây Dựng vì ngộ độc. Chị Thu kể mấy ngày nắng nóng, chị chán ăn, cơ thể mệt mỏi, da mọc nhiều mụn nên chị Thu giải nhiệt bằng nước rau má.

Chị Thu ra chợ mua rất nhiều rau má về xay sinh tố, ngày nào cũng uống thay nước lọc. Tuy nhiên đến ngày thứ 4 thì chị thấy mình bắt đầu khó chịu, bụng ì ạch và xuất hiện tiêu chảy. Chị mua thêm thuốc trị tiêu chảy về uống nhưng không hết. Đến ngày thứ 2 thì tình trạng mất nước nặng thêm, phải vào viện cấp cứu bù điện giải.

Lúc này, chị Thu kể với bác sĩ về việc uống nước rau má giải nhiệt. Bác sĩ cho biết cách giải nhiệt này nguy hiểm vì không phải ai cũng dùng được nước rau má.

Chị Quỳnh Nga trú tại Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội cũng tương tự. Nắng nóng mệt nên chị Nga tìm tới nước rau má vì nghĩ rau má an toàn, trồng dễ lên. Nhà chị trồng được trên sân thượng nên ngày nào chị cũng lấy xay sinh tố uống để mát gan, giải độc.

Được hai, ba hôm, chị Nga rơi vào trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt. Đến tối khi chuẩn bị đi ngủ chị thấy chân tay cứ rủn ra và ngã quỵ ngay trong sàn nhà tắm. Gia đình đưa vào BV Xanh Pôn cấp cứu, bác sĩ cho biết chị bị tụt huyết áp quá nhanh. Lúc này, chị Nga mới nhớ mình có tiền sử huyết áp thấp và rất kỵ với rau má.

{keywords}

Nước rau má được nhiều người ưa chuộng nhưng không phải ai cũng có thể dùng.

Ai không được uống rau má?

Lương y Bùi Hồng Minh, nguyên Chủ tịch hội Đông y Ba Đình, Hà Nội cho biết: Trong Đông y rau má còn có tên là Tích tuyết thảo hay Liên tiền thảo. Rau má có vị đắng, hơi ngọt mát. Rau có tính bình cho nên ông bà ta vẫn nhắc con cháu “Đói thì ăn rau má, đừng ăn quấy ăn quá mà chết”.

Lương y Minh cho biết bình thường ăn rau má sẽ có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má cũng thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy, phụ nữ khi hư, bạch đới (khi hư)”.

Vì có tính hàn nên những người lạnh bụng không được ăn rau má. Nếu muốn dùng chỉ nên ăn vài lá hoặc dùng kèm theo một vài lát gừng sống. Những phụ nữ mang thai và trong thời kỳ cho con bú nên tránh dùng”.

Những người bị huyết áp thấp tuyệt đối không được dùng vì rau má được biết đến trong việc bình ổn huyết áp cho người bị cao huyết áp. Nếu người huyết áp thấp dùng rau má có thể gây tụt huyết áp đột ngột ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí hôn mê.

Theo Lương y Vũ Quốc Trung (Phòng khám chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng), rau má là loại rau có tính hàn, có công dụng giải nhiệt nên được nhiều người lựa chọn sử dụng làm nước giải nhiệt, nhất là trong những ngày nắng nóng.

Tuy nhiên, việc lạm dụng, uống nhiều lại dễ gây ra đầy bụng và tiêu chảy, nhất là đối với người có thân nhiệt thấp và hay lạnh bụng. Ngoài ra, ăn nhiều rau má sẽ khiến làm tăng cholesterol, tiểu đường, nhức đầu, mất ý thức thoáng qua, giảm khả năng mang thai, gây sảy thai…

Rau má làm giảm hiệu quả của insulin và các thuốc tiểu đường uống, thuốc hạ cholesterol.

Hiện nay, rau má được trồng rất nhiều nên không loại trừ loại rau này cũng bị phun thuốc, khiến người dụng dễ bị ngộ độc. Chính vì thế, người dân không nên hái rau má ở ven đường nơi có nhiều xe đi lại hay những nơi cống rãnh có chất thải để đảm bảo sức khỏe;

Rau má sau khi mua về phải rửa sạch ngâm nước muối hoặc ozon. Khi sử dụng rau má, cần được ngâm rửa kỹ càng, đồng thời khi dùng nên ăn kèm thêm lát gừng để trung hòa tính hàn của rau má.

(Theo Infonet)