Có tiền sử bệnh viêm dạ dày nên thấy buồn nôn, đau nhói ở bụng sau khi ăn tô bánh canh gần nhà, chị Quỳnh nghĩ bệnh tái phát.

Chị Mai Quỳnh (54 tuổi, ngụ huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) được người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á trong tình trạng đau bụng quằn quại kéo dài.

{keywords}

Chiếc tăm tre 7 cm nằm đâm thủng dạ dày bệnh nhân.

Theo gia đình bệnh nhân, sau khi ăn sáng ở quán bánh canh gần nhà, chị thấy đau nhói ở bụng, nhưng do có tiền sử bệnh viêm dạ dày, nghĩ bệnh tái phát nên chị này đã đi khám ở cơ sở y tế địa phương và uống thuốc giảm đau.

Tuy nhiên, ngày hôm sau, chị Quỳnh lại tiếp tục bị đau bụng, cơn đau diễn biến từ âm ỉ đến dữ dội, tới mức không thể chịu nổi.

Qua khám lâm sàng, thấy bệnh nhân có biểu hiện đau nhiều vùng thượng vị ở bụng, nghi ngờ người này nuốt dị vật, bác sĩ chỉ định nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng và phát hiện có dị vật là tăm tre 2 đầu nhọn, dài gần 7cm, cắm vào vùng hang vị của dạ dày.

Các bác sĩ nhanh chóng dùng dụng cụ chuyên dụng để gắp tăm tre nhọn ra.

Sau khi dị vật được lấy ra ngoài thành công, tình hình sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, các cơn đau cũng biến mất.

Nhìn thấy chiếc tăm tre 7 cm cắm vào dạ dày, chị Quỳnh cũng không khỏi sợ hãi. Chị đoán, có thể chiếc tăm đã có sẵn trong bát bánh canh, lúc uống nước dùng, vì không để ý nên nuốt luôn cả tăm nhọn vào bụng.

Theo các BS tại Bv Xuyên Á, trong các ca nội soi dị vật, các trường hợp nuốt tăm tre không phải là hiếm. Nhiều người có thói quen ngậm tăm tre sau khi ăn, thậm chí ngậm tăm nằm xem ti vi hay nghe nhạc…nhưng đây là thói quen rất nguy hiểm.

BS khuyến cáo, để phòng nguy cơ nuốt tăm, mọi người cần cẩn thận trong ăn uống, nhai kỹ và nên loại bỏ thói quen ngậm tăm trong miệng. Dị vật rơi vào đường tiêu hoá hay hô hấp đều rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Khi phát hiện nuốt dị vật hay có tình trạng đau bất thường, cần đến các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị máy móc nội soi để được kiểm tra và điều trị nhanh chóng.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Văn Đức