- Thời tiết nắng nóng làm trẻ đổ nhiều mồ hôi, tạo điều kiện cho vi trùng phát triển mạnh. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, trẻ có thể nhiễm bệnh, thậm chí tử vong.

Theo BS CK2 Phạm Văn Hoàng - Trưởng khoa Khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, các tỉnh phía Nam sắp bước vào mùa nắng nóng. Vào tháng 4, tháng 5 nhiệt độ thường duy trì ở 38 - 39 độ C.

Thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho các loại bệnh phát sinh, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Thời điểm hiện tại, dù thời tiết chưa quá nắng nóng nhưng mỗi ngày khoa khám bệnh của BV Nhi đồng tiếp nhận từ 4.500 - 5.000 trẻ tới thăm khám.

{keywords}
Thời tiết nắng nóng khiến trẻ dễ nhiễm bệnh

Trong đó phần lớn là các bệnh về tay chân miệng, tiêu hóa, hô hấp, sốt xuất huyết, thủy đậu…

Trường hợp phát hiện tình trạng bệnh muộn, chẩn đoán không chính xác, có thể khiến trẻ gặp những biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong với bệnh tưởng chừng như đơn giản.

Bác sĩ Hoàng lý giải, nhiệt độ cao khiến trẻ đổ nhiều mồ hôi, tạo điều kiện cho vi trùng phát triển mạnh, gây nên bệnh viêm da.

Ban đầu chỉ nổi ửng đỏ gây ngứa, trẻ khó chịu và gãi sẽ khiến vết thương nhiễm trùng, nổi mụn nước, sau đó là mụn mủ.

Khi đám nhiễm trùng trên da lan rộng là trẻ đã bị nhiễm trùng sâu - viêm mô dưới da (viêm mô tế bào). Đặc biệt, khi bị nhiễm trùng huyết, trẻ không được tới viện chữa trị thì rất dễ tử vong.

"Đã có nhiều trường hợp khi trẻ được chuyển vào cấp cứu thì tình trạng nhiễm trùng huyết đã quá nặng, dù cố gắng cứu chữa nhưng trẻ vẫn tử vong" - BS Hoàng chia sẻ.

Cách tốt nhất chăm sóc trẻ mùa nắng nóng là cho trẻ ở trong môi trường mát mẻ. Khi trẻ đổ nhiều mồ hôi thì lau khô trước. 5 - 10 phút sau, khi lỗ chân lông khép lại, mới lau ướt.

Theo BS Hoàng, khi trẻ có triệu chứng sốt cao, đỏ da, nổi mụn nhọt ở tay và ửng đỏ vùng ngực, cổ, thì cha mẹ phải đưa tới viện ngay để khám, điều trị đúng cách.

Cha mẹ không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống hoặc không nên tự chữa trị bằng những cách dân gian như tắm bằng nước khổ qua (mướp đắng) và các loại cây, trái khác…

Thạch Quý - Mỹ Hòa