Trẻ em từ 1 - 10 tuổi là đối tượng tấn công chính của thủy đậu. Sau 10 - 14 ngày ủ bệnh, trẻ không được chăm sóc chu đáo và đúng cách có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.

Thủy đậu (bỏng rạ, trái rạ) là một bệnh ngoài da do vi rút Varicella , lây lan qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với dịch của mụn nước vỡ ra, hoặc với các tổn thương của người bệnh, thậm chí có thể lây khi tiếp xúc với dụng cụ học tập, quần áo, ga trải giường, đồ chơi…có chứa siêu vi trùng gây bệnh. Bệnh thủy đậu vì thế khi bùng phát rất khó kiểm soát, trở thành một bệnh đáng ngại, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý.


Những biến chứng đáng ngại

Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng lại không thể xem thường. Sau thời gian ủ bệnh từ 10 - 14 ngày, khi bắt đầu nổi các mụn nước, nếu không được chăm sóc chu đáo và đúng cách, người mắc bệnh thủy đậu có thể gặp những biến chứng nguy hiểm.

Nguy hiểm nhất là thủy đậu có nguy cơ dẫn đến tử vong. Mặc dù tỉ lệ tử vong do thủy đậu không cao nhưng thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ bị suy hô hấp và ảnh hưởng đến tính mạng. Một số biến chứng nặng khác trẻ có thể gặp phải do thủy đậu như: nhiễm trùng huyết, tổn thương thần kinh trung ương, viêm não, viêm phổi, viêm tiểu não…

Đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm. Thai phụ khi bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ dễ bị sẩy thai, trẻ khi sinh ra sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh... Nếu thai phụ phát bệnh thủy đậu 5 ngày trước hoặc 2 ngày sau khi sinh, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh có thể lên đến 30% .

Đặc biệt, thậm chí sau khi đã khỏi bệnh, thủy đậu chưa hẳn đã hết nguy hiểm. Nó có thể vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng ngủ đông. Nhiều năm sau đó, trong một số điều kiện nhất định, siêu vi này sẽ tái hoạt động và gây ra san thương của bệnh Zona (giời leo).

Một biến chứng nhẹ phổ biến mà hầu như trẻ nào khi mắc thủy đậu cũng gặp phải là nhiễm trùng da. Nơi các mụn nước, dịch gây nhiễm trùng, tạo thành những vết sẹo vĩnh viễn, ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ của trẻ.

Ngoài ra, trẻ bị thủy đậu bắt buộc phải nghỉ học để cách ly từ 7 đến 10 ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động học tập. Cha mẹ lúc này phải nghỉ làm để chăm sóc con, tránh trẻ lây bệnh cho nhau và gặp những triệu chứng nặng hơn.

Kiểm soát thủy đậu bằng vắc xin phòng ngừa

Do đặc thù dễ lây, khó kiểm soát, có thể lây trong thời gian ủ bệnh nên việc phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh được xem là biện pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, có trường hợp trẻ vẫn bị mắc thủy đậu trở lại dù đã chích ngừa 1 liều trước đó.

Hiện tượng này xảy ra là do nồng độ kháng thể sau khi chủng ngừa giảm dần theo thời gian. Vì thế, việc chích thêm mũi thứ 2 là cần thiết giúp trẻ tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh hơn, mang lại hiệu lực vắc-xin cao hơn (theo khuyến cáo của Ủy Ban An Toàn Tư Vấn Tiêm Chủng Hoa Kỳ tháng 6/2007).

Việc tiêm vắc xin phòng ngừa thủy đậu là cần thiết, nhất là trong thời điểm dịch đang bùng phát như hiện nay. Do đó, các bậc phụ huynh nên chủ động phòng ngừa bệnh truyền nhiễm này cho con mình bằng cách đưa con liên hệ tiêm ngừa tại các bệnh viện sản, nhi hoặc các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, quận, huyện.

Thông tin giáo dục này được cung cấp bởi hội Y học dự phòng Việt Nam với sự tài trợ của VPĐD GlaxoSmithKline

Thu Nguyễn