- Các độc tố trong bệnh bạch hầu có thể phá hủy tim, thận khiến bệnh nhân tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm độc, nhiễm khuẩn cấp tính do trực khuẩn bạch hầu gây ra.

Vào thế kỷ 17, căn bệnh này được ví là "kẻ treo cổ", gây ra nỗi ám ảnh chết chóc kinh hoàng cho toàn châu Âu,

Tuy nhiên trong nhiều thập kỷ trở lại đây, bệnh bạch hầu gần như biến mất hoàn toàn do cộng đồng đã được chích ngừa vắc xin khá đầy đủ.

{keywords}
Màng giả trắng đặc trưng của bệnh bạch hầu

Tại Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, kể từ những ca bệnh cuối cùng thập niên 80 thế kỷ trước, cho đến năm 2015 mới bùng phát trở lại dịch bạch hầu tại Quảng Nam và mới đây tiếp tục bùng phát tại Bình Phước khiến 3 người tử vong.

Độc tố của vi khuẩn bạch hầu có thể khiến 5-20% bệnh nhân tử vong.

2 thể thường gặp nhất của bệnh bạch hầu là bạch hầu họng và thanh quản, khi màng giả lan rộng có thể gây tắc nghẽn đường thở, nếu độc tố mạnh, hấp thu lượng lớn có thể gây ra những biểu hiện nhiễm độc như đờ đẫn, hôn mê và có thể tử vong trong 6-10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.

Các trường hợp tử vong còn lại theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chủ yếu do các biến chứng viêm cơ tim, viêm thận do vi khuẩn theo máu tấn công các cơ quan này.

Biến chứng viêm cơ tim có thể xuất hiện sớm ở những ngày đầu của bệnh nhưng có thể muộn hơn 3 - 5 tuần dù bệnh đã phục hồi. Khi viêm cơ tim sẽ gây tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim khiến bệnh nhân tử vong đột ngột do trụy tim mạch. Biến chứng ở giai đoạn đầu thường nặng hơn, tiên lượng rất dè dặt, điều trị khó khăn.

Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận hoặc tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay chân, nói ngọng hoặc giọng nói thay đổi.

Minh Anh