Hầu hết người bệnh được phát hiện mắc ung thư nói chung đã vào giai đoạn muộn của bệnh, nên thời gian sống sót thường ngắn. Đối với người bệnh ung thư dạ dày cũng vậy.

Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm dấu hiệu ung thư dạ dày sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.

Thế nào là ung thư dạ dày giai đoạn sớm?

Ung thư dạ dày (UTDD) giai đoạn sớm được định nghĩa là mức độ xâm lấn ung thư dạ dày chưa vượt qua lớp hạ niêm mạc, không kể đến tình trạng di căn hạch hay không. Loại ung thư này có tiên lượng tốt hơn nhiều so với ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển (90% sống sót sau 5 năm).

Hiện nay việc phát hiện ung thư dạ dày sớm được quan tâm nhiều, do sự phát triển của các kỹ thuật hình ảnh cho phép phát hiện sớm tổn thương như nội soi có dải ánh sáng hẹp, nội soi phóng đại.

Biểu hiện lâm sàng

Thường thì một tổn thương ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm có kích thước rất nhỏ, cỡ vài mm đến không quá 5-7cm, nên tổn thương đó không ảnh hưởng đến chức năng tiêu hoá thức ăn của dạ dày và hoàn toàn không gây triệu chứng khó chịu hay đau bụng cho người bệnh.

Muốn phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm phải dựa vào các chương trình tầm soát ung thư. Một triệu chứng không rõ ràng của đường tiêu hoá trên có thể xuất hiện 6-12 tháng trước khi được chẩn đoán UTDD sớm và có thể có ở 90-95% bệnh nhân không xác định được qua sàng lọc. Tổn thương loét có thể là dấu hiệu báo trước có giá trị hơn là tổn thương nhô cao.

Với chương trình tầm soát ung thư dạ dày tích cực tại các nước Đông Á (chủ yếu được thực hiện ở Nhật Bản), rất nhiều bệnh nhân được phát hiện UTDD sớm khi không có triệu chứng.

{keywords}

Nội soi dạ dày.

Với bệnh nhân giai đoạn muộn có thể có dấu hiệu cảnh báo hoặc triệu chứng gợi ý là thiếu máu hay sụt cân, với tỷ lệ tương ứng từ 5-15% và 4-40%. UTDD giai đoạn tiến triển thì sụt cân có tỷ lệ hơn 60%. Lúc này thì ung thư không còn ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt để hoàn toàn nữa.

Triệu chứng khó tiêu có thể xảy ra ở bất cứ trường hợp nào, đặc biệt tỷ lệ bệnh nhân ung thư dạ dày trong các bệnh nhân mắc chứng khó tiêu rất thấp ở Mỹ cũng như phương Tây, do đó không có triệu chứng lâm sàng hay xét nghiệm nào cho phép phân biệt khó tiêu lành tính với khó tiêu ác tính.

Chẩn đoán có khó?

Để chẩn đoán UTDD thì nội soi dạ dày là phương pháp duy nhất và đồng thời cũng có giá trị nhất cùng với việc sinh thiết những tổn thương nghi ngờ hoặc sinh thiết theo hệ thống.

Nội soi ánh sáng thường:  Các phương tiện máy nội soi phổ biến ở nước ta hiện nay thì độ chính xác có thể đạt tới 90-96%. Các tổn thương trên nội soi có thể là: dạng polyp lồi lên hay là 1 bản phẳng bề mặt, thay đổi màu sắc niêm mạc, có lõm ở trung tâm, hoặc là tổn thương loét. Việc phát hiện những tổn thương nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí với những bác sỹ nội soi có kinh nghiệm. Do đó cần khảo sát toàn bộ dạ dày một cách cẩn thận, tỉ mỉ, và sinh thiết những vị trí nghi ngờ.

Phương pháp 1/4:  Đây là phương pháp được đánh giá cao nhất trong nội soi dạ dày. Với mỗi vùng của dạ dày đòi hỏi các bác sỹ nội soi quan sát và chụp ảnh theo phương pháp 1/4: chia vi trường nội soi làm 4 và mỗi lần chụp ảnh thì chỉ tập trung vào chụp và quan sát 1/4 vi trường mà thôi.

Nếu có dấu hiệu của loét dạ dày, vị trí và số lượng mảnh sinh thiết vô cùng quan trọng, càng sinh thiết nhiều mảnh thì khả năng bắt được tổn thương ung thư càng cao, nhưng thực sự thì vẫn không có sự đồng thuận về số lượng mảnh sinh thiết.

Với tổn thương loét dạ dày đã sinh thiết không bắt được tế bào ung thư thì vai trò hàng đầu là theo dõi qua nội soi, số lượng mảnh sinh thiết và thời gian phụ thuộc vào đặc điểm của tổn thương loét đó, đặc điểm bệnh nhân.

Các phương pháp nội soi khác:  Nội soi có dải ánh sáng hẹp có hoặc không có phóng đại, nội soi nhuộm màu, nội soi huỳnh quang.

Các phương pháp này bổ sung cho phương pháp nội soi thông thường, làm tăng mức độ chính xác của chẩn đoán, nhưng kết quả cuối cùng của chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn sớm vẫn phải dựa vào sinh thiết làm mô bệnh học.

(Theo ThS. Đào Trường Giang/SK&ĐS)