Tháng 12/2015, Mexico là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng vắc xin phòng ngừa virus sốt xuất huyết. Việt Nam có tỉ lệ người mắc sốt xuất huyết cao nhưng chưa quyết định dùng loại vắc xin này.
Ngày 9/12/2015, Bộ Y tế Mexico đã thông qua việc cho phép sử dụng vắc xin chống lại virus sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới do hãng Sanofi Pháp sản xuất. Theo đó, khoảng 40.000 người ở Mexico dự kiến sẽ được dùng vắc-xin sốt xuất huyết trong giai đoạn đầu. Các đối tượng được dùng vắc-xin là trẻ trên 9 tuổi và người lớn dưới 49 tuổi đang cư trú ở những khu vực sốt xuất huyết bùng phát thành dịch.
Hãng dược phẩm Pháp Sanofi cho biết, họ đã chi hơn 1,6 tỉ USD để phát triển và bào chế loại vắc-xin có tên Dengvaxia này trong hơn 20 năm.
Trong năm 2015, Việt Nam có gần 82.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 52 trường hợp tử vong.
Trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng nhận định: Dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng và diễn biến phức tạp trong những năm tới vì nhiều lý do: Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, điều kiện vệ sinh kém, tăng chủng loại và số lượng vật phế thải đọng nước, ngày càng nhiều người thích trồng hoa, cây cảnh, nhà vườn. Nhiều ổ loăng quăng được phát hiện ở các công trường xây dựng, nhà trọ, lán trại. Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu, El Nino, diễn biến thời tiết bất thường, nhiều khu vực hạn hán tăng trữ nước trong hộ gia đình đã tạo nên môi trường nước sạch thuận lợi cho muỗi sinh sản.
Ảnh minh họa |
Dẫu vậy, trả lời báo Tuổi trẻ về khả năng sử dụng vắc xin sốt xuất huyết ở Việt Nam, PGS.TS Phu cho rằng Bộ Y tế Việt Nam rất chú ý đến văcxin này. Tuy nhiên, Việt Nam chưa sử dụng vắc xin này vì 2 lí do: Thứ nhất so với các nước trong khu vực như Campuchia hay Philippines thì mức độ gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết tại Việt Nam chưa trầm trọng bằng. Thứ 2, Hiệu lực bảo vệ ở type cao nhất đạt trên 60%, các type còn lại đạt thấp hơn, có type chỉ đạt trên 40%. Có khả năng tiêm văcxin phòng được type này nhưng vẫn mắc các type còn lại, và khi đó bệnh cảnh sẽ nặng lên.
Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Cục Y tế dự phòng cho biết: “Tại Việt Nam, đã triển khai thử nghiệm vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết cho trẻ nhỏ từ năm 2011 và sẽ kết thúc vào năm 2017. Kết quả sau 3 năm tiêm phòng cho hiệu quả phòng giảm gần 60% trường hợp mắc bệnh và sẽ tiếp tục được theo dõi về hiệu quả và độ an toàn sau 5 năm. Đến năm 2017 sẽ có tổng kết và khuyến cáo về việc sử dụng vắc xin sốt xuất huyết cho trẻ nhỏ. Hiện Bộ Y tế vẫn đang theo dõi chặt thông tin về hiệu quả và độ an toàn của vắc xin ngừa sốt xuất huyết để có những kế hoạch tiếp theo.”
Trong những năm qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, phun xịt thuốc, kiểm tra, giám sát, điều trị nhằm giảm số lượng ca mắc mới, tử vong và giảm gánh nặng bệnh tật do sốt xuất huyết.
Thống kê ghi nhận tỷ lệ mắc đã giảm sâu từ 148 trong 100.000 dân giai đoạn 1980-2000 xuống còn 117 trong 100.000 dân giai đoạn 2006-2010 và 71 trong 100.000 dân giai đoạn 2011-2014. Tỷ lệ chết/mắc cũng giảm từ 0,52% xuống dưới 0,08%. Trung bình năm 2015, tỷ lệ này là 0,064%, thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Malaysia (0,273%) Philippines (0,295%), Campuchia (0,205%)...
D.Minh (tổng hợp)