Theodore Van Kirk là người ra đi sau cùng trong nhóm phi hành đoàn đã lái ‘pháo đài bay’ B52, thả quả bom hạt nhân xuống Hiroshima, Nhật Bản, vào cuối Thế chiến II.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Van Kirk, phi công tham gia ném bom nguyên tử xuống Hiroshima năm 1945. |
Ông đã qua đời vào thứ Hai tuần này, tại nhà ở bang Georgia, ở tuổi 93.
Theo Business Insider, Van Kirk làm người điều hướng cho phi hành Enola Gay đoàn gồm 12 người, giúp hướng dẫn cho chiếc máy bay tới Hiroshima vào ngày 6/8/1945. Thành phố này là nơi 250.000 người cư trú, cũng là nơi nhiều trụ sở quân đội Nhật đóng quân.
Trước ngày thực hiện nhiệm vụ, có rất nhiều ý nghĩ xảy đến trong đầu của Van Kirk. Khi các cấp trên khuyên họ nên nghỉ ngơi sau các cuộc gặp ngắn cuối cùng, Van Kirk chơi bài poker với các thành viên khác trong đoàn.
“Cái cách mà họ muốn nói với bạn rằng bạn sẽ phải bay ra đó, thả quả bom nguyên tử đầu tiên và nó có thể thổi bay cả phi cơ và bạn hãy chợp mắt một lát, nó đi quá giới hạn của tôi” – Van Kirk nói.
Chiếc máy bay chở ‘Bé con’ – biệt hiệu của quả bom nguyên tử đầu tiên thả xuống Nhật Bản. ‘Bé con’ là vũ khí hạt nhân đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh, nặng 9.000 pound và phát nổ trên bầu trời Hiroshima ở độ cao 1.800 feet cùng với sức nổ tương đương 20.000 tấn TNT.
Van Kirk mô tả nhiệm vụ tại Hiroshima là khá suôn sẻ vì máy bay không vấp phải phản kháng của đối phương, và bay trong điều kiện thời tiết hoàn hảo.
Quả bom phát nổ vào 43 giây sau khi được thả từ Enola Gay. Phi công đã lái máy bay rời đi ngay sau vụ nổ.
Van Kirk nhớ lại, có hai đợt sóng xung kích với cường độ mỗi đợt là 3 Gs đập vào máy bay. “Trong một chiếc B-29 và ở độ cao 30.000 feet thì đó là một cú xóc điếng người”.
Sau khi các đợt sóng xung kích qua đi, chiếc B-29 quay trở lại để xem mức độ thiệt hại ở bên dưới mặt đất.
Nhưng tất cả những gì mà Van Kirk có thể thấy chỉ là khói đen, bụi và một đám mây hình quả nấm đã bốc lên phía trên máy bay.
Van Kirk thật sự sốc với những gì mà phía Nhật Bản vừa phải trải qua.
“Cuộc chiến đã chấm dứt. Chúng tôi không thể biết là làm thế nào mà người Nhật có thể chịu được sức mạnh như vậy và tất cả mọi thứ khác rất lâu sau những gì mà chúng tôi đã chứng kiến” – Van Kirk hồi tưởng lại.
Một nóc tòa nhà ở Hiroshima sau khi quả bom nguyên tử ném xuống thành phố này. |
Sau cuộc chiến, Van Kirk vẫn tin vào việc cần thực hiện một nhiệm vụ như vậy, và nói rằng ông vẫn có thể thực thi một lần nữa, nếu như đặt trong một bối cảnh tương tự. Trong quan điểm của ông, nước Mỹ đã chiến đấu với một kẻ thù không hề biết chiến bại.
“Thứ nhất, đã là chiến tranh thì đừng nói chuyện đạo lý – quên điều đó đi” – ông nói trên tờ New York Times vào năm 1995. “Thứ hai là, khi bạn chiến đấu trong một cuộc chiến mà bạn phải giành phần thắng, bạn sử dụng mọi phương tiện tùy ý để đạt được điều đó”.
Trong một bài phỏng vấn trên tờ Time, năm 2005, ông nói chi tiết hơn về quan điểm của ông đối với tầm quan trọng của nhiệm vụ này.
“Bạn phải thắng trong một cuộc chiến. Có tới hơn 100 mục tiêu quân sự trong thành phố Hiroshima. Đó không phải là vấn đề đi tới đó rồi thả quả bom xuống thành phố, rồi giết người dân thường. Đó là việc phá hủy các mục tiêu quân sự trong thành phố Hiroshima – nơi đóng các căn cứ quân sự quan trọng nhất của quốc phòng Nhật Bản trong trường hợp xâm lược. Nó phải bị phá hủy”.
Vụ ném bom Hiroshima và các hiệu ứng sau đó đã khiến khoảng 140.000 người thiệt mạng vào cuối năm 1945, trong đó có 20.000 binh sĩ. Khoảng 92% trong số 76.000 tòa nhà trong thành phố bị tàn phá sau vụ nổ và hỏa hoạn.
“Điều quá tệ là có rất nhiều thương vong, nhưng nếu bạn chỉ cho tôi cách chiến đấu trong một cuộc chiến mà không gây sát thương cho người dân thường thì có lẽ tôi phải là người đàn ông hạnh phúc nhất trên thế giới” – Van Kirk nói.
“Trong chiến tranh, bạn chiến đấu, bạn giết người dân, và đó là cách bạn giành phần thắng. Và đó là những gì chúng tôi đã làm” – Van Kirk kết luận.
Lê Thu