Mặc dù châu Âu đang đắm chìm trong cảm giác vui vẻ vì sự rộng lượng đối với hàng nghìn người di cư và tị nạn, nhưng sự thực thì những nhân vật chỉ trích từ các đảng cánh hữu và cực hữu mới là đối tượng được hưởng lợi lớn từ cuộc khủng hoảng này.

 {keywords}

Theo New York Times, các đảng phái đang phản đối nhập cư, sự ảnh hưởng của đạo Hồi và quyết định tiếp nhận người di cư của Áo và Đức, đã chỉ ra những khó khăn của việc ngừng tiếp nhận người di cư.

Sau những hỗn loạn ở Hy Lạp, hình ảnh về một Liên minh châu Âu (EU) - dường như không thể bảo vệ biên giới của mình trong khi vẫn cố áp đặt những hạn ngạch bắt buộc với các nước thành viên trong tiếp nhận người tị nạn, phù hợp với bức chân dung mà những người hoài nghi ở châu Âu vẽ về Brussels như một thủ phủ châu Âu bất lực và độc đoán.

"Đức, Thụy Điển và Áo xứng đáng với tin tưởng vì sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn, song ở đâu đó trên lục địa này, phản ứng về vấn đề trên đang chuyển từ thụ động sang thù địch", Michael Haltzel, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Các vấn đề quốc tế Phần Lan, đồng thời là cố vấn của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay.

"Quá tải là một mối đe dọa lớn và tôi sợ rằng những đối tượng hưởng lợi chính trị ở nhiều nước sẽ là những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan cánh hữu".

Cựu Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt đã đề cập tới nỗi lo của một số đảng cầm quyền, khi nói "vào cuối ngày, nước nào cũng bất an về một lượng lớn người di cư mới dù một số nước giả bộ không phải thế. Hiện có một xu hướng đổ lỗi, song đây sẽ là thách thức với từng nước. Việc hòa nhập vào xã hội phương Tây khó khăn và cần thời gian, nó không chỉ là cấp cho một cái lều".

Chính phủ cánh hữu mới ở Đan Mạch đã đưa ra các quảng cáo trên báo chí Lebanon, để cảnh báo người tị nạn không nên tới nước này và tuyên bố Chính phủ Đan Mạch sẽ siết chặt các luật nhập cư và cắt giảm trợ cấp.

Tại Pháp, trong một bài phát biểu hôm 6/9 trước đảng Mặt trận Dân tộc, nữ chính khách Marine Le Pen đã buộc tội Đức mở cửa cho người tị nạn, để lợi dụng họ như một nguồn lao động giá rẻ, trong khi đó, áp đặt chính sách nhập cư lên các quốc gia khác. "Đức không chỉ muốn lãnh đạo nền kinh tế chúng ta, mà họ còn muốn buộc chúng ta phải nhận hàng trăm nghìn người tị nạn".

Đề cập tới cái chết của cậu bé người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ và những người xin tị nạn trong một chiếc xe tải ở Áo, bà Le Pen buộc tội các chính trị gia châu Âu "khai thác cái chết của những người không may, vốn tham gia các chuyến đi do mafia tổ chức. "Họ đăng tải một cách thiếu tự trọng bức ảnh của một đứa trẻ đã chết, chỉ để đổ lỗi cho châu Âu và buộc mọi người phải thừa nhận tình trạng hiện thời". 

Nội chiến Syria hiện đang ở năm thứ 5 và đã có hơn 4 triệu người Syria rời bỏ đất nước, đăng ký làm người tị nạn. Trong khi đó, cũng có 6,5 triệu người khác đang phải rời bỏ nhà cửa, Cao ủy về người tị nạn của Liên Hợp Quốc cho hay. Hiện, chỉ riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ, có hơn 1,9 triệu người tị nạn Syria, còn ở Lebanon có 1,1 triệu người, Jordan có hơn 629.000 người.

Châu Âu không thể tiếp nhận tất cả.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel hôm 7/9 phát biểu gần như là tự hào rằng, Đức hiện là đích đến mơ ước với người tị nạn. Tuy nhiên, nhiều người lo sợ, tuyên bố này sẽ gây ra phản ứng mạnh. Bà Merkel tuyên bố như vậy chỉ vài giờ sau vụ tấn công mới nhất trong số hơn 200 vụ tấn công trong năm nay nhằm vào người tị nạn hoặc nơi trú ẩn của họ tại Đức.

Một ngày trước đó, các đối tác trong khối trung hữu của bà Merkel - Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CDU), đã công khai chỉ trích nữ lãnh đạo này, vì tiếp nhận hàng chục nghìn người tị nạn từ Hungary và Áo. "Quyết định đó đã phát đi tín hiệu sai tới các nước khác", Gerda Hasselfeldt, lãnh đạo CDU tại Quốc hội cho hay.

Cho tới giờ, Đức chưa gặp nhiều rắc rối với các đảng phái chính trị cực hữu. Tuy nhiên, tại Áo, một đảng dân túy mạnh - đảng cánh hữu Tự do, đã có được những thành quả đáng kể trong vài tháng khủng hoảng người tị nạn diễn ra.

Áo dự kiến sẽ tiếp nhận lượng đơn xin tị nạn tương tự Đức, khoảng 1% dân số. Hiện, trước thềm bầu cử tại Vienna diễn ra vào tháng 10 tới, đảng Tự do có khả năng đánh bại đảng Dân chủ Xã hội khi tiếp cận được các tầng lớp thấp với những tuyên bố chống Hồi giáo hùng hồn. Một số nhà quan sát cho rằng việc bày tỏ thông cảm với người tị nạn đã khiến cán cân nghiêng về phe cánh hữu.

Người tị nạn cũng là vấn đề nhạy cảm ở Anh. Năm ngoái, nước này tiếp nhận 330.000 người và Thủ tướng David Cameron hiện đang chịu sức ép từ chính đảng của ông, cũng như từ đảng Độc lập Anh, là phải giảm bớt số người tị nạn hoặc phải rút khỏi Liên minh châu Âu.

  • Hoài Linh