Sương khói phủ mờ bầu trời Hà Nội - thủ đô của Việt Nam vốn đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Kênh Channel News Asia (CNA) đã có bài phóng sự giải thích nguyên nhân của hiện tượng ô nhiễm không khí tại Hà Nội thời gian gần đây.
Kênh CNA dẫn lời cô Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, thuộc Bộ Xây dựng Hà Nội: “Nếu bạn tới thành phố vào ban ngày, mọi người đều phải đeo khẩu trang, và bạn tìm cách bảo vệ mặt và cơ thể khỏi môi trường”.
Một màn sương bao phủ bầu trời Hà Nội. Ảnh: CNA |
Thành Nguyễn, một chủ tiệm áo cưới, nói: “Hiếm khi nào bạn thấy bầu trời xanh. Trên Facebook mỗi ngày, mọi người lại đăng tải chỉ số ô nhiễm không khí ở Đại sứ quán Mỹ cho thấy điều kiện ở Hà Nội giờ rất tệ. Mọi người thật sự rất lo”.
Tháng trước, vào 9 giờ sáng ngày 1/3, lần đầu tiên Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội ghi lại chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức ‘độc hại’.
Giao thông Hà Nội giờ cao điểm. Ảnh: CNA |
“Với mức ô nhiễm như vậy thì mọi người không nên ra khỏi nhà. Nhưng ở Hà Nội, mọi người vẫn phải đi lại. Ngay cả khi đi xe máy, đôi khi họ cũng không đeo khẩu trang” – Mai Hoàng Nam, một nhân viên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết.
Năm 2012, công ty phân tích ô nhiễm của Pháp là ARIA Technologies đã xếp hạng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á, và trong số những nơi có chất lượng không khí tệ nhất châu Á.
Một người bán hàng rong trên phố tại Hà Nội. Ảnh: CNA |
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, “việc lấy chỉ số ở một thời điểm cao nhất trong ngày để so sánh với chỉ số trung bình ngày của Bắc Kinh rồi rút ra kết luận không khí Hà Nội ô nhiễm hơn Bắc Kinh là khập khiễng, không thể hiện đúng bản chất của chất lượng không khí, gây hoang mang cho mọi người".
Theo CNA, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ô nhiễm không khí ở Hà Nội là do giao thông quá tải.
Phương tiện đi lại chủ yếu tại Hà Nội là xe máy, và ô tô. Ảnh: CNA |
Trang này dẫn báo cáo của Trung tâm Quan trắc Môi trường của Việt Nam, cho thấy 70% ô nhiễm không khí ở Hà Nội là do các dòng xe di chuyển không ngớt. Đây là vấn đề chỉ của khoảng 20 năm trở lại đây.
Cho tới giữa những năm 1990, xe đạp vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu ở Việt Nam. Tuy nhiên, xe đạp đã nhường lối cho xe máy do nền kinh tế mở rộng với tốc độ nhanh nhất thế giới.
Một góc đường tại phố Xã Đàn, quận Đống Đa. Hà Nội. Ảnh: CNA |
Số liệu chính thức cho thấy hiện có 5,3 triệu xe máy và 560.000 xe ôtô tại Hà Nội. Mỗi năm, con số này tăng 11% đối với xe máy, và 17% đối với ôtô.
“Hầu như ai cũng có xe máy, trong khi phương tiện giao thông công cộng thì hạn chế, và không phổ biến. Mọi người không có thói quen đi bộ. Họ sử dụng xe máy thậm chí khi đi một quãng ngắn” – ông Hoàng Dương Tùng nói.
Dự kiến, tới năm 2020, Hà Nội có khoảng 7 triệu xe máy. |
Tới năm 2020, sẽ có khoảng 1 triệu xe ôtô và 7 triệu xe gắn máy đi lại trên đường phố thủ đô.
CNA nêu ra mối đe dọa nghiêm trọng từ tình trạng ô nhiễm không khí đối với sức khỏe người dân và khó khăn trong việc khắc phục tình hình.
Dẫn ra các thống kê của một tạp chí quốc tế uy tín, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho biết mỗi năm Việt Nam có 44.000 người chết vì ô nhiễm môi trường liên quan tới khí thải giao thông.
Vấn đề ở thủ đô Hà Nội có lẽ còn nghiêm trọng hơn cả ở thành phố Hồ Chí Minh – thành phố lớn nhất cả nước.
Theo thống kê từ đơn vị y tế của Bộ Giao thông Vận tải, Hà Nội có vấn đề về bệnh đường hô hấp nghiêm trọng hơn và cư dân thủ đô chi gấp đôi tiền cho chữa trị bệnh đường hô hấp hơn ở thành phố phía nam.
“Tắc nghẽn thường xuyên và kéo dài là một yếu tố nữa làm tăng mức độ ô nhiễm không khí” – Giáo sư Lê Huy Bá, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp Tp HCM, nói.
Phương tiện giao thông tăng quá nhanh so với nỗ lực của chính phủ nhằm mở rộng và nâng cấp hạ tầng giao thông, khiến tình trạng tắc nghẽn thêm nghiêm trọng.
Một vấn đề nữa, ở Hà Nội có quá nhiều đường nhỏ, ngõ hẹp và ôtô khó lòng đi qua.
Các con đường mới đưa vào sử dụng sau vài năm cũng trở nên chật chội. Để bắt kịp nhịp độ tăng xe cộ đi lại, ước tính Hà Nội cần đầu tư tới 20 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để mở rộng hơn nữa các mạng lưới đường xá.
Trong số các giải pháp đối với giao thông Hà Nội, một số tuyến tàu điện đã được khởi công.
Còn về tình trạng không khí, nhiều chuyên gia môi trường đang cảnh báo về ‘thảm họa không khí’ đang treo lơ lửng nếu như chất lượng không khí tiếp tục xuống cấp.
Lê Thu
Nụ cười Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh gia Pháp
Khi hỏi tại sao nhiều người lại lấy tay che miệng khi cười, Rehahn trả lời rằng những người trẻ thường ngại ngùng còn người già lại có xu hướng làm vậy để che hàm răng móm mém.
Việt Nam xưa qua ống kính của lính Mỹ phản chiến
Một người lính Mỹ đã ghi lại những hình ảnh đời thường ở thành phố Mỹ Tho của Việt Nam trong giai đoạn cuối những năm 1960.
Độc giả ngoại trầm trồ với 'mỹ nhân ngư' mũm mĩm của Việt Nam
Cư dân mạng Trung Quốc và độc giả của một số tờ báo Anh đã không khỏi trầm trồ trước những bức ảnh ngộ nghĩnh của tiểu 'mỹ nhân ngư' Việt Nam.