- Các lãnh đạo EU, hôm nay (25/6), nhóm họp giữa bối cảnh liên tiếp có những đề nghị Anh tiến hành đàm phán ra khỏi liên minh "ngay lập tức".

Ngoại trưởng 6 quốc gia thành lập EU đã gặp ở Brussels để bàn tiến độ và chiến lược Anh ra khỏi EU sau khi người Anh bỏ phiếu quyết định tương lai của họ.

{keywords}

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker muốn Anh bắt đầu đàm phán rời EU ngay lập tức. (Ảnh: Express)

"Người Anh đã quyết định họ muốn rời Liên minh châu Âu, vì vậy không cần phải đợi cho đến tháng 10 mới đàm phán về các điều khoản để họ ra đi. Tôi muốn bắt đầu ngay lập tức", hãng tin CNN dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố.

Juncker bình luận thêm, việc tách khỏi liên minh không phải là một "cuộc li dị êm thấm", và quan hệ của EU với Anh cũng chẳng "phải là mối tình gắn bó keo sơn".

Trong một thông cáo sau cuộc họp, ngoại trưởng các nước Bỉ, Pháp, Đức, Italia, Luxembourg và Hà Lan nhất trí "muốn Anh làm rõ và thực hiện quyết định càng sớm càng tốt".

Họ cũng thừa nhận cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là một lời cảnh tỉnh rằng cải cách cần được thực hiện bên trong EU. "Chúng tôi coi việc này rất nghiêm trọng và quyết tâm làm cho EU hoạt động tốt hơn cho tất cả các công dân của mình. Chúng tôi sẽ cùng tập trung nỗ lực vào những thách thức đó, vốn chỉ có thể được giải quyết bằng những đáp án chung của châu Âu, trong khi để các nhiệm vụ khác ở cấp quốc gia và khu vực".

Nhiều người thuộc phe Rời EU ở Anh tỏ ra không hài lòng với những quyết định mà các quan chức EU ở Brussles vừa đưa ra đối với họ.

Một số diễn biến khác trong ngày 25/6:

Cao ủy của Anh ở EU Jonathan Hill thông báo ông sẽ từ bỏ vai trò của mình sau quyết định của cử tri. Trong một thông điệp, Hill nói rõ ông "rất thất vọng" nhưng "những gì đã làm thì không thể rút lại được".

Trong một diễn biến khác, hơn 1,3 triệu người đã ký vào một đơn kiến nghị trên trang web của Quốc hội Anh yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc đi hay ở lại EU. Lượng người vào cùng lúc quá lớn khiến trang web này bị gián đoạn hoạt động. Theo quy định, các đơn kiến nghị nhận được hơn 100.000 chữ ký sẽ được xem xét đưa ra thảo luận tại Quốc hội.

Ở Paris, sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon lên tiếng hoan nghênh các cuộc gặp giữa EU và Anh. "Tôi tin tưởng thực sự rằng những cuộc đàm thoại sẽ diễn ra một cách tích cực và thiết thực. Mặt khác, Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Anh và EU - hai đối tác quan trọng", ông Ban Ki-moon nói thêm.

Bộ trưởng Thứ Nhất của Scotland, Nicolas Sturgeon, đã họp với nội các của bà để bàn về động thái tiếp theo của nước này. Nữ chính trị gia tuyên bố chính phủ Scotland đang cố gắng bàn bạc ngay lập tức với các cơ quan của EU và với các nước thành viên EU để "bảo vệ vị trí của Scotland trong Liên minh châu Âu".

Bà Sturgeon nhắc lại lời khẳng định trước đó rằng trưng cầu dân ý việc Scotland tách khỏi Anh đang là một lựa chọn trên bàn làm việc.

Thanh Hảo