- Trong số các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, nước Anh đang đi tiên phong theo hướng xây dựng một nền công nghiệp điện hiện đại, trong lành ít phát thải khí nhà kính… Và sự kiện “Brexit” của Anh khỏi EU không cản trở đường lối này.

Quốc gia hàng đầu điện năng

Ngay ở thời kỳ đầu công nghiệp hóa, nước Anh đã nằm trong số quốc gia xây dựng nền điện năng sớm nhất với các nhà máy nhiệt điện; gồm cả nhiệt điện “sạch” với nhiên liệu là dầu, khí đốt và cả nhiệt điện “bẩn” theo nghĩa là phát thải nhiều khí nhà kính do sử dụng nhiên liệu than đá.

{keywords}

Và, tiếp theo, quốc đảo này cũng không tụt hậu so với các quốc gia lục địa trong việc phát triển các dạng điện năng khác, từ các loại như thủy điện, điện sinh khối ... đến điện công nghệ cao như điện hạt nhân hay các loại điện có nguồn dự trữ vô tận trong tự nhiên như điện gió, điện năng lượng mặt trời.

Sự đánh giá trên phản ảnh trong bảng số liệu thống kê mới cho năm 2015 (bảng số 1), ở đó cho thấy sự đóng góp điện lượng và tỉ lệ phần trăm của các nguồn điện khác nhau ở nước Anh.

Trong đó, bốn loại điện năng chủ yếu; từ điện “cổ điển” như nhiệt điện sử dụng khí đốt và sử dụng than đá đến điện công nghệ cao (điện hạt nhân) và điện năng lượng tái tạo, tất cả đều đóng vai trò chủ yếu và tỷ lệ đóng góp gần như tương đương nhau với 29,5%, 23%, 21% và 25%.

Ngoài ra, là quốc đảo nhưng nước Anh không đứng cô lập, ngược lại đã và đang tiến hành nối mạng cao áp với các nước cận kề như Pháp, Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Đức. Ireland. Qua đó, Anh nhập thêm điện, chủ yếu là điện hạt nhân, với điện lượng (tính cho năm 2015) khoảng 21 TWh từ Pháp (13,8 TWh) và Hà Lan (8,0 TWh). Mặt khác, xuất điện sang Ireland với 0,9 TWh là động tác mở đầu.

Sức mạnh của điện hạt nhân

{keywords}
Bản đồ phân bố các nhà máy điện hạt nhân của Anh Quốc

Nước Anh được xem như cây đại thụ trong số vài quốc gia trên thế giới tiên phong trong con đường xây dựng ngành công nghiệp điện hạt nhân.

Nước Anh sớm xây dựng một loạt các nhà máy điện hạt nhân rải rác dọc bờ biển đông và tây. Đến năm 1997 tỷ lệ đóng góp của điện hạt nhân vào công suất điện tổng cộng đạt đỉnh với 26%. Sự cố hạt nhân Fukushima không ảnh hưởng gì với chính sách điện hạt nhân của nước Anh.

Đến nay, 15 lò phản ứng lớn nhỏ vẫn đang cung cấp điện năng cho cả nước (xem bảng 2) với tổng công suất 8883 MWe. Trong đó, đáng chú ý nhà máy điện Hinkley Point B khởi động từ năm 1976, sau 40 năm nay vẫn tiếp tục cung cấp điện lên lưới điện quốc gia.

{keywords}

Hiện tại và thời gian sắp tới, việc xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân không thể dừng vì nó có vai trò lớn trong việc đáp ứng các nhu cầu điện năng của Anh nhằm đối phó với tình trạng sẽ đóng cửa hơn 40% số nhà máy điện hạt nhân “quá đát” trước năm 2025, đồng thời bù đắp với sự sụt giảm mạnh sản lượng dầu mỏ và khí đốt chỉ trong một số năm sắp tới.

Điện hạt nhân trong lâu dài vẫn là 1 trong 3 nguồn điện chủ yếu, cùng với điện gió ngoài biển và điện dầu - khí đốt giúp Anh quốc thực hiện chủ trương đa dạng hóa, sạch hóa và bảo đảm an ninh nguồn năng lượng của nước mình.

Chính phủ Anh dự kiến với chi phí khoảng 14 tỷ bảng Anh (khoảng 22,5 tỷ USD) sẽ xây dựng 2 lò năng lượng hạt nhân EPR thế hệ thứ ba, loại lò nước áp lực cải tiến của Pháp. Và nhà máy điện hạt nhân mới; gọi là lò Hinkley Point C sẽ có khả năng sản xuất một lượng điện lớn tương đương với 7% tổng lượng điện của Anh quốc.

Đồng thời, nước Anh còn có một kế hoạch xây dựng “một hạm đội mới” các nhà máy điện hạt nhân, bao gồm các nhà máy điện công suất lớn ở Wylfa và Moorside cùng các lò phản ứng mô-đun nhỏ kỹ thuật mới ở nhiều nơi.

Sự trỗi dậy của điện gió

{keywords}

Hình các cánh tua-bin gió của một nhà máy điện gió ngoài biển khơi của nước Anh. (Ảnh: Green-is- great)

Cùng với điện hạt nhân, điện gió được xem là nguồn điện sạch đang được đầu tư phát triển và sẽ sớm trở thành nguồn điện năng trụ cột của nước Anh.

Số liệu thống kê (xem bảng 1) cho thấy phần đóng góp của điện gió trong tổng điện lượng quốc gia của năm 2015 chiếm gần 12%. Trong đó, đã kể đến vai trò của các nhà máy điện gió trên đất liền và điện gió trên mặt nước (gần bờ biển và ngoài khơi xa).

Do diện tích trên đất liền dành cho điện gió không còn đáng kể, nước Anh tập trung xây dựng các nhà máy điện gió xa bờ. Và nước này đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về điện gió xa bờ từ tháng 10 năm 2008.

Hiện nay, nước Anh đang triển khai 28 dự án, cho hoạt động 1.465 tua-bin gió và tổng công suất điện gió xa bờ đạt 5.098 MW. Các tua-bin gió trên mặt nước đang đóng góp hàng năm khoảng 15 TWh (têta.oat.giờ). Trong đó, với các tua-bin đang xây dựng, riêng phần điện gió xa bờ sẽ đóng góp vào sản lượng lưới điện hàng năm toàn quốc khoảng 8% vào năm 2016 và 10% vào năm 2020.

Anh quốc rõ ràng đang trỗi dậy thành nước dẫn đầu trên thế giới về điện gió, đăc biệt điện gió xa bờ.

Sự rút lui của nhiệt điện than

Theo số liệu thống kê, một phần đáng kể điện năng ở Anh quốc tạo bởi các nhà máy nhiệt điện với nhiên liệu là khí tự nhiên (hiện chiếm gần 30%) và than đá (23%). Lượng điện phát ra từ hai loại nhiên liệu này thay đổi hàng năm phụ thuộc vào giá cả của nhiên liệu. Phần đóng góp của điện sử dụng dầu mỏ rất nhỏ (dưới 1%) không đáng kể.

Đáng chú ý ở đây là các nhà máy sử dụng nhiên liệu than đá bởi vì sự tác hại đến môi trường và sức khỏe của khí độc hại CO2 sinh ra. Sự tác hại này đã được cảnh báo trên toàn thế giới. Các chỉ tiêu giảm thiểu CO2 đã được khuyến cáo cho mọi quốc gia trong Nghị định thư của Hội nghị toàn cầu về Biến đổi khí hậu COP-21 ở Paris tháng 12/2015.

Trong lúc đó, than đá cũng không phải là tài nguyên của nước Anh mà chủ yếu nhập khẩu từ các nước khác.

Vì vậy, việc đóng cửa dần các nhà máy nhiệt điện than đã diễn ra ở Anh quốc. Và mới đây, vào tháng Mười Một năm 2015, người đứng đầu của Cơ quan quốc gia về Năng lượng và Biến đổi khí hậu nước Anh đã đưa ra khuyến cáo: đóng cửa các nhà máy điện đốt than còn lại trước năm 2025. Đó là một quyết định tiên tiến và quyết đoán mà nhiều nước không thực hiện được, trong đó có các “cường quốc” nhiệt điện than như Trung quốc, Ấn Độ; và cả Hoa Kỳ và nước Đức.

Tác động của sự kiện “Brexit”?

Cũng cần đề cập đến ảnh hưởng của biến cố “Brexit” vừa xảy ra - Anh tách khỏi EU. Thực ra, sự kiện này không ảnh hưởng đến chương trình năng lượng của Anh quốc.

Các công ty vẫn không thay đổi cam kết đối với chương trình xây dựng hạt nhân. Tổng công ty năng lượng EDF Energy (một trong những nhà sản xuất lớn nhất trong lĩnh vực điện-cacbon-thấp) cùng với các doanh nghiệp lớn khác NuGeneration và Horizon Nuclear Power (công ty năng lượng đang phát triển thế hệ mới các nhà máy điện hạt nhân) vẫn cam kết với chương trình mới xây dựng hạt nhân.

Cụ thể, Tổng Giám đốc điều hành Jean-Bernard Levy, cho biết: “Brexit” sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch của công ty trong việc xây dựng nhà máy Hinkley Point C, đó là các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng ở Anh trong gần 20 năm nay. Lịch trình vẫn là đưa vào hoạt vào năm 2025. Nhà máy điện hạt nhân lớn này nhằm bảo đảm cung cấp 7% điện năng cho Vương quốc Anh.

Cùng với làn sóng phát triển các nhà máy điện gió ngoài biển và chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện hạt nhân công suất lớn, nước Anh chủ trương đóng cửa dần tiến đến chấm dứt hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2025.

Vương quốc Anh vẫn là nước đi đầu so với các cường quốc kinh tế khác trên con đường xây dựng một nền công nghiệp điện hiện đại, trong lành ít phát thải khí nhà kính.

  • Trần Minh

1. Đức: Điện sạch tăng lên, điện than không giảm! http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/308842/duc-dien-sach-tang-len-dien-than-khong-giam.html

2. Các nhà “Nobel” cảnh báo: “Rời bỏ” là rủi ro http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/311142/cac-nha-nobel-canh-bao-roi-bo-la-rui-ro.html