Trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử ngày 27/4, giới quan sát đã chỉ ra ba bài học Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cần nắm "nằm lòng" khi hội kiến người đứng đầu Triều Tiên Kim Jong Un.

Khi ông Moon gặp Kim Jong Un vào ngày 27/4, ông sẽ là vị tổng thống thứ ba của Hàn Quốc từng tiếp xúc với một lãnh đạo tối cao của Triều Tiên. Hai người tiền nhiệm ông Moon, Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun, đã lần lượt có cuộc gặp thượng đỉnh với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il vào năm 2000 và năm 2007.

Mặc dù hai hội nghị thượng đỉnh trước đây đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng chúng không tạo ra thay đổi lớn, giúp chấm dứt xung đột trên bán đảo Triều Tiên.

Theo các nhà phân tích, Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm có thể rút ra một số bài học quan trọng từ những thành công và thất bại của hai người tiền nhiệm như dưới đây:

Bài học số 1: Địa điểm tổ chức hội nghị

Khi ông Kim Dae-jung và ông Roh Moo-hyun đến Bình Nhưỡng vào năm 2000 và 2007, ông Kim Jong Il đã trải thảm đỏ chào đón họ, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Các hình ảnh sống động về lễ đón tiếp trọng thị cùng các hoạt động ngoại giao sau đó được truyền phát trên khắp thế giới. Đó chính xác là những gì giới chức Triều Tiên mong muốn.

Giới quan sát cho rằng, khi nhất trí tổ chức các sự kiện tại thủ đô Triều Tiên, phía Hàn Quốc đã mang tới cho ông Kim Jong Il cơ hội tuyên truyền hiếm có. Truyền thông nhà nước Triều Tiên khắc họa các chuyến đi của hai tổng thống Hàn Quốc như dịp để lãnh đạo Seoul thể hiện sự tri ân đối với miền bắc. Với tư cách là nước chủ nhà, Triều Tiên cũng có thể dễ dàng kiểm soát các luồng thông tin và hình ảnh từ các hội nghị.

{keywords}
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il (phải) chào đón Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung tới Bình Nhưỡng tham gia hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 6/2000. Ảnh: CNN 

Cả chính quyền Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đều hiểu những rủi ro khi gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên trên chính "sân nhà" của ông cũng như nguy cơ ra về tay trắng. Trong trường hợp của ông Kim Dae-jung, "Triều Tiên có vẻ đã nắm được quan điểm này khi họ nói: 'Cứ đến đi, mọi việc sẽ ổn'. Song, vẫn có những yếu tố không rõ ràng và lo lắng", Kim Hong-gul, con trai của cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung tiết lộ với CNN.

Theo Lee Jong-seok, cựu Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia kiêm Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun, mặc dù ông Roh cuối cùng vẫn quyết định tới Bình Nhưỡng, nhưng các quan chức trong chính quyền của ông đều e dè chuyện đó.

Kết quả là, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il đều giành chiến thắng về mặt tuyên truyền trước hai tổng thống Hàn Quốc: ông buộc họ phải tới tận Bình Nhưỡng để gặp gỡ mà không cần phải nhất trí điều gì giúp làm giảm các căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên về dài hạn.

Giải pháp của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in:

Ông Moon sẽ gặp ông Kim Jong Un tại Nhà Hòa bình ở bờ nam Vùng an ninh chung (JSA), nơi duy nhất thuộc khu phi quân sự chia cắt hai nước (DMZ). Nhiều ý kiến cho rằng, lựa chọn này là sự thỏa hiệp của cả hai bên. Các phóng viên Hàn Quốc sẽ được phép di chuyển sang bờ bắc của khu DMZ nhằm ghi lại khoảnh khắc lãnh đạo Triều Tiên đi sang bờ nam để tới địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Bài học số 2: Không một mình vội vã

Khi ông Kim Dae-jung tới Bình Nhưỡng vào năm 2000, Mỹ và Hàn Quốc đã phối hợp chặt chẽ để vạch ra chiến lược tiếp cận ngoại giao với Triều Tiên. Ông Kim Dae-jung sau đó đã rời Bình Nhưỡng với một số thỏa thuận, bao gồm cả việc nhất trí tổ chức các cuộc đoàn tụ dành cho những gia đình bị ly tán do chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) và rót vốn đầu tư cho nền kinh tế Triều Tiên.

Tiếp sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều nói trên, Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton đã cử Ngoại trưởng Madeleine Albright tới Bình Nhưỡng để gặp ông Kim Jong Il, và tiếp đón một trong những quan chức quyền lực nhất của Triều Tiên tại Washington. Ông Kim Jong Il chấp nhận lời mời tới Seoul sau đó một thời gian, nhưng rốt cuộc đã không hiện thực hóa nó.

{keywords}
Ông Roh Moo-hyun và ông Kim Jong Il tại cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 4/10/2007. Ảnh: CNN

Ngược lại, Roh Moo-hyun, Tổng thống kế nhiệm ông Kim Dae-jung, lại nổi tiếng là người chống Mỹ. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng xác nhận tin đồn này trong hồi ký của ông, xuất bản vài năm sau đó. Theo ông Gates, ông Roh thậm chí từng nói "các hiểm họa an ninh lớn nhất ở châu Á là Mỹ và Nhật".

Khi ông Roh tới Bình Nhưỡng vào năm 2007, ông là vị tổng thống bị suy giảm uy tín trầm trọng trong nước và chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ. Ông mong muốn có một thỏa thuận bảo đảm Hàn Quốc sẽ tiếp tục viện trợ cho Triều Tiên sau khi ông rời ghế lãnh đạo.

Ông Roh rốt cuộc cũng rời Bình Nhưỡng với một số thỏa thuận. Đáng chú ý nhất là thỏa thuận về một kế hoạch hòa bình 8 điểm, dọn đường cho một hiệp định hòa bình vĩnh viễn nhằm chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên.

Song, không giống người tiền nhiệm, ông Roh hồi hương mà không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở cả trong nước và quốc tế cho những nỗ lực của mình. Người kế nhiệm ông, Lee Myung-bak đã chọn không thực thi một số phần của thỏa thuận, liên quan đến việc tiếp tục trợ giúp kinh tế cho Triều Tiên. Thay vào đó, ông Lee ràng buộc mọi hoạt động viện trợ bằng vật chất hay tiền mặt cho Bình Nhưỡng với việc ông Kim Jong Il phải nhất trí từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush dường như cũng ủng hộ Tổng thống Lee và quan điểm cứng rắn hơn của ông đối với quan hệ liên Triều.

Giải pháp của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in:

Ông Moon mới lên nắm quyền chưa đầy một năm. Trong thời gian này, ông dường như đóng vai trò như người đứng giữa Bình Nhưỡng và Washington. Để giúp chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cập nhật kịp các động thái của Seoul, ông Moon liên tục phái các cố vấn chủ chốt tới Mỹ. Ngoại trưởng, rồi cố vấn an ninh quốc gia và trùm tình báo của Hàn Quốc đều đã đến Washington hồi tháng trước để hội đàm với những người đồng cấp hoặc quan chức cấp cao của Mỹ.

Hồi tháng Ba, ông Trump cũng nhất trí tổ chức một hội nghị thượng đỉnh riêng rẽ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, sau khi hai quan chức Hàn Quốc đã công du Bình Nhưỡng chuyển lời mời của ông Kim.

"Ông Moon hiểu rằng, cách tiếp cận Triều Tiên của Hàn Quốc sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu Mỹ đứng về phía họ", Lee Seong-hyon, nhà nghiên cứu thuộc Viện Sejong ở Seoul bình luận.

Bài học số 3: Không mang theo quyển ngân phiếu

Kim Dae-jung là "cha đẻ" của chính sách Ánh Dương, vốn theo đuổi việc hợp tác kinh tế và ngoại giao gần gũi hơn giữa Seoul - Bình Nhưỡng, với hy vọng sẽ xoa dịu các căng thẳng và đẩy lui nguy cơ sụp đổ kinh tế ở Triều Tiên. Ông Moon được coi là một trong những kiến trúc sư chủ chốt của chính sách này. Ông cũng từng là cố vấn hàng đầu cho ông Roh.

Về cơ bản, chính sách Ánh Dương liên quan chặt chẽ đến các khoản tài trợ bằng tiền mặt của Hàn Quốc cho phía Triều Tiên, với rất ít hoặc không có điều kiện kèm theo. Ông Kim Dae-jung từng được trao giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực của mình sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000. Song, hình ảnh và di sản của ông đã bị hoen ố 3 năm sau đó khi xuất hiện thông tin, Hàn Quốc đã bí mật tuồn 200 triệu USD cho Bình Nhưỡng thông qua tập đoàn Hyundai chỉ vài ngày trước cuộc gặp lịch sử.

Ông Kim Dae-jung đã công khai xin lỗi sau đó, nhưng quả quyết số tiền tài trợ nói trên dành cho các thỏa thuận kinh doanh với Triều Tiên. Nhiều người Hàn Quốc cáo buộc, hàng triệu USD tài trợ cho Bình Nhưỡng đã không khiến chính quyền Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân, cũng như không phục vụ các lợi ích chính đáng của Seoul.

Giải pháp của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in:

{keywords}
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ chính thức diễn ra từ ngày 27/4. Ảnh: CNN

Theo giới phân tích, bất kỳ khoản chi "ngoài bàn đàm phán" nào cho Triều Tiên hiện cũng sẽ vô cùng rủi ro đối với ông Moon. Ông đắc cử ghế tổng thống Hàn Quốc nhờ hình ảnh "ứng viên trong sạch" trong suốt chiến dịch vận động tranh cử. Hơn thế nữa, Hàn Quốc đang tìm kiếm một vị lãnh đạo trung thực thay thế cựu Tổng thống Park Geun-hye, người bị phế truất trong vụ bê bối tham nhũng hồi năm ngoái.

Hơn thế nữa, nếu chính phủ của ông Moon tài trợ ngầm cho Bình Nhưỡng, động thái có thể bị Mỹ coi là vi phạm các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc với Triều Tiên. Bản thân Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố, sẽ duy trì "chiến dịch gây áp lực tối đa" trong lúc diễn ra các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng.

Ông Moon do đó được tin sẽ không dại gì làm mất lòng đồng minh Mỹ vào lúc này.

Tuấn Anh 

Dấu mốc lịch sử của Triều Tiên

Dấu mốc lịch sử của Triều Tiên

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gặp Tổng thống Hàn quốc Moon Jae In lúc 9h30 sáng mai (27/4, giờ Seoul) ở đường phân ranh quân sự giữa hai nước.

Thế giới 24h: Cờ thống nhất tung bay trên bán đảo Triều Tiên

Thế giới 24h: Cờ thống nhất tung bay trên bán đảo Triều Tiên

Chính quyền địa phương và các nhóm dân sự Hàn Quốc đã treo những lá cờ "thống nhất bán đảo Triều Tiên" trên khắp cả nước với mong muốn cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới diễn ra thành công.

Ngọn núi trên bãi thử hạt nhân Triều Tiên đã bị sập?

Ngọn núi trên bãi thử hạt nhân Triều Tiên đã bị sập?

Theo nghiên cứu của các nhà địa chất Trung Quốc, ngọn núi phía trên bãi thử hạt nhân chính của Triều Tiên đã sập dưới sức mạnh của các vụ nổ.

Thế giới 24h: Tuyên bố bất ngờ của Triều Tiên

Thế giới 24h: Tuyên bố bất ngờ của Triều Tiên

Cộng đồng quốc tế phản ứng trái chiều khi Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố sẽ dừng thử hạt nhân ngay trước các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Mỹ - Triều sắp tới.

Triều Tiên bỏ điều kiện gây khó Mỹ, Hàn trước cuộc gặp lịch sử

Triều Tiên bỏ điều kiện gây khó Mỹ, Hàn trước cuộc gặp lịch sử

Bình Nhưỡng đã từ bỏ yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trước các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Mỹ - Triều "lịch sử".

Ông Tập Cận Bình sắp đi Triều Tiên gặp Kim Jong Un?

Ông Tập Cận Bình sắp đi Triều Tiên gặp Kim Jong Un?

Một quan chức giấu tên quả quyết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị tới Bình Nhưỡng để gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.