Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ở xa nhà hàng nghìn cây số, nhưng thông điệp của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un rất to và rõ: Hãy nghĩ kỹ trước khi kết thân với tân Tổng thống Mỹ.

Trên đây là bình luận của hãng tin CNN sau khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa đạn đạo sáng nay (12/2) giữa bối cảnh Thủ tướng Abe đang thăm Mỹ.

{keywords}

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Reuters)

"Xem xét vụ phóng là ngay lập tức sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nhật được tổ chức, đây rõ ràng là hành động khiêu khích nhằm vào Nhật và khu vực", Chánh Văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga nói.

Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida, Thủ tướng Abe mô tả vụ phóng tên lửa là "hoàn toàn không thể dung thứ".

CNN dẫn lời một quan chức Mỹ xác nhận vật phóng là một tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM). Các nguồn tin khác cho biết, tên lửa bay được 500km rồi rơi xuống Biển Nhật Bản.

Các IRBM thường có tầm bắn 3.000-5.500 km – xa hơn nhiều so với tầm bắn cần thiết để tấn công Hàn Quốc nhưng lại không đủ để chạm tới Mỹ (trừ đảo Guam).

"Nó rõ ràng nhắm đến Nhật Bản", CNN dẫn lời ông Carl Schuster, một giáo sư trường Đại học Hawaii Pacific và là cựu giám đốc phụ trách các hoạt động của Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ.

Hàn Quốc thường lo ngại trước mọi diễn biến trong năng lực tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên song các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng đã dịu giọng hơn và bớt thù địch hơn với Seoul sau vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye.

Nhật Bản và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao tích cực nhưng những năm gần đây hai bên có tiến bộ trong việc bình thường hóa quan hệ. Một trong những rào cản là các vụ công dân Nhật bị phía Triều Tiên bắt cóc hồi những năm 1970 và 1980.

Bình Nhưỡng đã thừa nhận và xin lỗi về các vụ này nhưng vẫn không đưa ra một câu trả lời chấp nhận được.

Bình Nhưỡng thù địch với Tokyo còn bởi Nhật có quan hệ thân thiết với "người láng giềng quan trọng nhất", Hàn Quốc, và với Mỹ.

Có hai khía cạnh trong các vụ thử vũ khí của Triều Tiên: tính kỹ thuật và tính chính trị. Ngay cả một vụ thử được gọi là thất bại thì có rất nhiều điều mà người Triều Tiên và cả kẻ thù của nước này rút ra được. Và không chỉ về kỹ thuật phát triển vũ khí, khía cạnh chính trị của các vụ thử cũng rất đậm nét, mang cả tính nội địa và quốc tế.

Ở trong nước, đó là cách ông Kim Jong-un chứng tỏ quyền lực và cam kết của mình trước dân chúng. Còn ở ngoài nước, chúng phát đi một thông điệp tới các kẻ thù của Bình Nhưỡng, nhắc nhở họ về năng lực quân sự của Triều Tiên.

Thanh Hảo