Khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thứ 2 tuần trước, lo lắng dấy lên về không chỉ tầm bắn của vũ khí này mà cả địa điểm phóng thử.

Tên lửa được phóng từ tỉnh Chagang. Các chuyên gia về địa lý nhanh chóng tìm ra tọa độ chính xác, theo đó điểm này sẽ khiến cả Mỹ và Trung Quốc lo lắng.

{keywords}
Ảnh: KCNA/EPA

Tính theo đường thẳng trên bản đồ, nơi này chỉ cách biên giới Trung Quốc khoảng 50km.

Với Bắc Kinh, đó là khoảng cách không mấy dễ chịu. Nhưng Triều Tiên không bận tâm bởi họ vốn đã không vui vẻ gì với Trung Quốc trong thời gian qua. Hồi đầu năm, Bình Nhưỡng đã chỉ trích nước láng giềng vì dừng nhập khẩu than từ Triều Tiên.

Tạp chí Quartz dẫn lời Kim Yong-hyun, giáo sư trường Đại học Dongguk ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, cho rằng địa điểm Triều Tiên phóng tên lửa dường như là một thông điệp dành cho Trung Quốc.

Còn với Washington, khoảng cách gần gũi từ điểm phóng thử tên lửa tới Trung Quốc rõ ràng là một điều đáng lo ngại. Nó nằm "ở khu vực đồi núi giáp biên giới Trung Quốc nên Mỹ rất khó tiêu diệt bằng một cuộc tấn công phủ đầu", Park Hwee-rhak, giáo sư trường Đại học Kookmin ở Seoul nói với tờ Nikkei Asian Review.

Với Triều Tiên, địa điểm phóng giúp phô trương khả năng nước này có thể bắn tên lửa từ những nơi khác ngoài các điểm thông thường.

Jeffrey Lewis - một chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey, bình luận trên báo Daily Beast: "Họ phóng từ một địa điểm bất ngờ nằm sâu bên trong Triều Tiên, gần biên giới Trung Quốc, nơi rất khó tấn công. Và họ lại phóng vào ban đêm khi các vệ tinh dựa vào hình ảnh phải bó tay".

Triều Tiên đang cải thiện năng lực gây bất ngờ cho kẻ thù theo nhiều cách khác nhau. Hồi tháng 2 (và một lần nữa vào tháng 5), nước này thử một tên lửa tầm trung dùng nhiên liệu rắn, một bước tiến vượt trội về tính linh hoạt và khó theo dõi.

Tuần này, quân đội Mỹ phát hiện "các cấp độ bất thường và chưa có tiền lệ" của các hoạt động tàu ngầm Triều Tiên.

Thanh Hảo