Lo ngại về cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu từ tuần tới, Bình Nhưỡng đưa ra cho Mỹ một lựa chọn rõ ràng: Hãy xuống thang căng thẳng nếu không sẽ đối mặt với một cuộc tấn công tên lửa vào vùng biển quanh Guam.

Theo CNN, trong năm qua, các chiến cơ ném bom B-1B của Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến xuất kích từ Căn cứ Không quân Andersen ở Guam tới bán đảo Triều Tiên. Lần gần đây nhất là vào ngày 8/8.

{keywords}

Ông Kim Jong Un thị sát Bộ Chỉ huy Lực lượng Chiến lược của Quân đội Triều Tiên tại một địa điểm bí mật. (Ảnh: KCNA)

Ngay hôm sau đó, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) tuyên bố lực lượng chiến lược nước này "đang nghiên cứu kỹ lưỡng kế hoạch hành động để tạo một vòng lửa ở những khu vực xung quanh Guam". Tuyên bố này nêu cụ thể tên lửa Hwasong-12 và khẳng định các chuyến bay B-1B là nguồn cơn đe dọa.

Hai ngày sau, KCNA thậm chí đi sâu hơn khi mô tả kế hoạch phóng 4 tên lửa và đường đạn của chúng qua bầu trời Nhật. Hãng thông tấn này đồng thời tiết lộ Lực lượng Chiến lược sẽ báo cáo với ông Kim vào giữa tháng 8.

Sau tất cả, Triều Tiên đặt ra cho Mỹ một lựa chọn rõ ràng: Dừng các chuyến bay B-1B nếu không sẽ đối mặt với các vụ phóng tên lửa nguy hiểm.

Những thông điệp này thể hiện một mô hình đe dọa mới của Triều Tiên: Dọa thực hiện các vụ phóng tên lửa gây tổn hại để buộc kẻ thù phải thay đổi tư thế quân sự.

Mỹ được cho là sẽ hứng chịu thêm nhiều đe dọa kiểu này nữa từ Bình Nhưỡng, có thể là dọa các cuộc tấn công nguy hiểm hơn. Mục đích là để gây sức ép với các đồng minh của Mỹ hoặc đòi các lực lượng Mỹ phải rút đi - một thực tế còn quan trọng hơn cả việc Mỹ nhanh chóng có phản ứng cứng rắn.

Ngày 15/8, KCNA đưa tin ông Kim Jong Un đã được báo cáo về kế hoạch tấn công Guam. Đăng kèm là bức ảnh ông Kim đang nghiên cứu các bản đồ trước một bức ảnh vệ tinh chụp căn cứ Andersen.

Bản tin được đánh giá là "màn trình diễn tài năng" với ý đồ nhắc nhở Mỹ rằng mối đe dọa vẫn còn đó, vẫn nằm trên bàn làm việc. Hơn thế nữa, giờ đây nó không chỉ dừng lại ở đe dọa đáp trả đối với các chuyến bay B-1B.

Thông điệp của Triều Tiên được báo chí diễn giải rằng nước này đã đơn phương từ bỏ đe dọa tấn công Guam. Nhưng điều này chưa thật chuẩn xác.

Thực tế, Bình Nhưỡng vẫn dấn một bước nữa, khi khẳng định đang chờ phản ứng "thêm một chút" và "nếu người Mỹ cố chấp trong những hành động cực kỳ liều lĩnh nguy hiểm của họ... chúng ta sẽ đưa ra một quyết định quan trọng như đã tuyên bố...". Như vậy, rõ ràng Triều Tiên chưa từ bỏ hoàn toàn đe dọa của mình.

Thanh Hảo