Ngày 12/4/1961, phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin đã đi vào lịch sử khi trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ.
Người phi công 27 tuổi khiêm tốn chỉ có một thông báo ngắn trong suốt hành trình kéo dài 1 tiếng 29 phút bay quanh trái đất: "Chuyến bay diễn ra bình thường. Tôi ổn". Ngay sau khi trở về, Yuri Gagarin ngay lập tức trở thành một ngôi sao quốc tế.
Tới 27/3/1968, Gagarin và một phi công khác thiệt mạng khi chiếc máy bay hai ghế ngồi của họ gặp nạn trong chuyến bay huấn luyện thường lệ. Sự thật về những bí ẩn quanh cái chết của người hùng này, gồm cả các chi tiết khá bất ngờ, mãi hàng chục năm sau mới được tiết lộ, theo History.
Trở thành người đầu tiên đi vào vũ trụ
Yuri Alekseyevich Gagarin chào đời vào ngày 9/3/1934 ở ngôi làng Klushino tại Smolensk, trong một gia đình mà bố làm thợ mộc. Năm 16 tuổi, Gagarin tới Moscow để học nghề thợ đúc trong một xưởng kim loại. Không lâu sau chàng thanh niên đã chuyển sang trường kỹ thuật ở Saratov.
Tại đây, Gagarin tham gia câu lạc bộ bay và lần đầu tiên được cất cánh lên trời. Năm 1957, Gagarin tốt nghiệp trường không quân và sau đó trở thành phi công lái chiến đấu cơ. Gagarin cưới vợ là Valentina cùng năm, rồi họ có hai con gái.
Năm 1960, Gagarin cùng 19 ứng viên khác được lựa chọn cho chương trình vũ trụ của Liên Xô. Chỉ có hai người được chọn cho chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ là Gagarin và phi công lái máy bay thử Gherman Titov.
Một số người cho rằng, Gagarin cuối cùng được chọn do nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev khi đó ưu tiên cho người có xuất thân khiêm tốn. Titov là con trai một giáo viên.
Lúc 9h07 ngày 12/4/1961, khi tàu vũ trụ Vostok 1 của Gagarin rời khỏi sân bay vũ trụ Baikonur, phi hành gia này thốt lên: Đi thôi.
Chuyến bay của Gagarin - một vòng quanh trái đất, diễn ra yên ổn song suýt hạ cánh trong thảm họa khi cáp nối mô đun hạ cánh và khoang kỹ thuật tách nhau không đúng, gây rung lắc dữ dội khi tàu vũ trụ tái nhập khí quyển. Gagarin thoát ra ngoài an toàn, nhảy dù xuống một điểm gần sông Volga.
Kết thúc thảm khốc của người hùng
Ngày 27/3/1968, Gagarin thiệt mạng khi chiếc chiến đấu cơ Mig-15 hai chỗ mà Gagarin bay cùng Vladimir Seryogin, gặp nạn bên ngoài một thị trấn nhỏ gần Moscow khi đang chuyến bay huấn luyện thường lệ. Tro của Gagarin được đặt trong một hốc tường của bức tường Kremlin.
Điều tra chính thức về tai nạn cho kết luận rằng, Gagarin bay chệch hướng để tránh một vật thể bên ngoài, ví dụ chim hoặc bóng thám không, khiến máy bay lộn nhào và đâm xuống đất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hàng không coi kết luận này không hợp lý và nhiều đồn đại đã nảy sinh.
Một số người cho rằng Gagarin có thể say rượu hoặc hai phi công bị lơ đãng vì mải chụp ảnh bên ngoài cửa sổ máy bay. Một số người khác cho rằng van điều áp trong cabin bị hỏng, khiến hai phi công bị thiếu ô xy. Một số giả thuyết khác cũng được đưa ra như máy bay bị phá vì động cơ chính trị, tự vẫn hoặc va chạm với đĩa bay.
Sau hơn 40 năm giữ bí mật, nguyên nhân thực sự về cái chết của nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin, người đầu tiên vào vũ trụ, đã được công khai vào năm 2013.
Phi hành gia Alexei Leonov, bạn của Gagarin, có mặt tại khu vực huấn luyện vào ngày máy bay của Gagarin gặp nạn. Phi hành gia này, cùng với phi công Titov có mặt trong ban điều tra tai nạn.
Năm 2013, trên mạng truyền hình Russia Today, ông Leonov cho biết, một báo cáo về vụ tai nạn đã được giải mật. Theo đó, có lỗi con người đằng sau tai nạn thảm khốc đó, một chiến đấu cơ SU-15 chưa được cấp phép bay rất gần với máy bay của Gagarin.
"Trong trường hợp này, phi công không tuân thủ chỉ dẫn, lao xuống độ cao 450m. Tôi biết điều này vì tôi đã có mặt ở đó, tôi nghe thấy tiếng và nói với nhân chứng. Máy bay chiến đấu đã lượn sát với máy bay của Gagarin, làm đổi hướng máy bay của phi hành gia này và khiến nó bổ nhào với tốc độ 750 km/h".
Tuy nhiên, tên người chịu trách nhiệm về cái chết của Gagarin không được tiết lộ. Giữ kín tên người này là điều kiện mà Leonov được phép lên tiếng về cái chết của Gagarin. Theo đó, chỉ có thể biết, phi công chiếc chiến đấu cơ đó đã 80 tuổi và không còn khỏe mạnh.
Hoài Linh
Ngày này năm xưa: Hàng trăm máy bay Mỹ oanh tạc Berlin
Ngày 6/3/1944, các máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ mở cuộc tấn công quy mô lớn đầu tiên vào ban ngày nhằm vào Berlin, thủ đô của đế chế Hitler.
Ngày này năm xưa: Đường tới đỉnh cao quyền lực của Stalin
Ngày 5/3/1953, Joseph Stalin, người đã lãnh đạo nhân dân Liên Xô đánh bại phát xít Đức, đã qua đời tại nhà riêng ở ngoại ô Moscow.
Ngày này năm xưa: Trận chiến kinh hồn trên biển Bismarck, đòn đau cho phát-xít Nhật
Trong trận chiến trên biển Bismarck, quân Mỹ và Australia đã dội 203 tấn bom vào đội tàu 16 chiếc của Nhật.