Phòng đại diện thương mại Mỹ hôm 1/5 chỉ trích Trung Quốc không ngăn chặn được các vụ đánh cắp bí mật thương mại Mỹ ngày càng tăng. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Washington thất vọng về vấn đề này

{keywords} 

Bí mật thương mại vốn là dòng máu nuôi sống sức mạnh kinh tế Mỹ.

Các vụ đánh cắp liên tiếp không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà còn ở ngoài nước này nhưng đều vì lợi ích của các thực thể Trung Quốc", cơ quan trên cho biết trong báo cáo thường niên về những nước tệ nhất trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Mỹ. 

"Mỹ kêu gọi mạnh mẽ chính phủ Trung Quốc có những động thái nghiêm túc để chấm dứt các hoạt động trên và ngăn chặn các hành động tiếp theo đó bằng việc điều tra nghiêm túc và xét xử những kẻ đánh cắp bí mật thương mại bằng cả những biện pháp thông thường lẫn trên mạng", báo cáo viết.

Các công ty Mỹ là nạn nhân của nạn ăn cắp bí mật thương mại gồm General Motors, Ford, DuPont, Dow Chemical, Motorola, Boeing và Cargill cũng như các công ty ít nổi tiếng hơn. Công ty nạn nhân có thể thấy thành quả của việc đầu tư nghiên cứu bốc hơi do gián điệp trong công ty, do đó, nạn nhân mất lợi thế cạnh tranh và thế đứng trên thị trường.

Dù liên tục phủ nhận song gần đây có hàng loạt vụ việc liên quan tới gián điệp kinh tế bị phơi bày.

Một cựu kỹ sư của General Motors Co (GM.N) đã bị kết án một năm tù và chồng bà này bị kết án 3 năm vì âm mưu đánh cắp bí mật thương mại để dùng ở Trung Quốc, công tố viên liên bang Mỹ cho hay.

Cựu kỹ sư Shanshan Du, 54 tuổi và chồng là Yu Qin, 52 tuổi, mỗi người lĩnh án 8-10 năm tù. Cả hai bị kết án hôm 30/4 ở Detroit. Cả hai đều là công dân Mỹ và vụ việc của họ là một phần trong cuộc truy quét của Bộ Tư pháp Mỹ.

Du và Qin bị buộc tội lấy thông tin mật của GM liên quan tới xe hybrid và chuyển nó cho các đối thủ của GM, trong đó có Chery Automobile Co của Trung Quốc, thông qua công ty của Cheryl là Millennium Technology International.

Các công tố viên cho hay, GM ước tính trị giá các tài liệu bị đánh cắp là hơn 40 triệu USD.

Hồi tháng 3/2012, cựu nhân viên của DuPont là Tze Chao thú nhận làm gián điệp kinh tế. Chao, làm việc cho DuPont suốt 36 năm, đã trao bí mật thương mại về sản xuất titanium dioxide cho Pangang Group, một công ty do chính phủ Trung Quốc kiểm soát chuyên sản xuất hóa chất.

Theo thỏa thuận biện hộ của Chao, chính phủ Trung Quốc coi thâu tóm công nghệ là ưu tiên hàng đầu và muốn bí mật của các công ty phương Tây. Vụ việc của Chao xảy ra chưa đầy 2 năm sau khi một nhân viên khác của DuPont thừa nhận ăn cắp bí mật thương mại.

DuPont không phải là công ty duy nhất là mục tiêu của các vụ đánh cắp thương mại.

Xiang Dong Yu làm việc cho Ford Motors với tư cách là kỹ sư sản phẩm. Xiang được phép tiếp cận các tài liệu thiết kế của Ford. Trước khi rời công ty chế tạo ô tô này, Xiang đã download 4.000 tài liệu vào ổ cứng ngoài, gồm cả các chi tiết thiết kế đặc biệt - những thiết kế mà Ford phải chi hàng triệu đôla để nghiên cứu và phát triển trong nhiều thập niên.

Sau đó, Yu chuyển sang làm việc cho công ty đối thủ của Ford là Beijing Automotive Company. Các tài liệu đánh cắp đã được tìm thấy trong máy tính của Yu. Nhân vật này đã nhận hai tội đánh cắp bí mật thương mại và vào tháng 4/2012, Yu lĩnh án 70 tháng tù, bị phạt tiền và bị trục xuất.

Cả DuPont và Ford đều từ chối bình luận về hai vụ việc trên. Trong cuộc điều tra những công ty bị đánh cắp bí mật thương mại, phóng viên của hãng tin CNBC đã liên lạc với 9 công ty ở nhiều ngành khác nhau từng là nạn nhân của các vụ đánh cắp, song không công ty bình luận ngoại trừ đưa ra thông cáo báo chí chính thức, vốn tiết lộ rất ít thông tin.

Theo ông Frank Figliuzzi, trợ lý giám đốc FBI về phản gián cho hay, dù hao tiền tốn của và luôn bị đe dọa, các công ty không muốn công khai thừa nhận những gì bị đánh cắp. "Những bí mật thương mại bị đánh cắp luôn là điều xấu hổ với các công ty". 

Hồi tháng 2, Nhà Trắng đã đưa ra một chiến lược để giải quyết vấn đề ngày càng gia tăng trên, vốn nảy sinh qua các cuộc tấn công mạng lẫn những biện pháp lâu đời hơn như nhân viên không trung thành đánh cắp bí mật thương mại của công ty mình rồi bán cho công ty đối thủ.

Chính quyền Obama cho biết, vũ khí của Mỹ gồm các biện pháp liên quan tới chính sách thương mại. Trong khi quan chức Mỹ khẳng định không nhằm vào một nước nào song báo cáo của Nhà Trắng liệt kê 17 trường hợp đánh cắp bí mật thương mại do công ty hoặc người Trung Quốc gây ra kể từ 2010, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Cùng lúc báo cáo của phòng thương mại Mỹ cáo buộc chính phủ Trung Quốc không giải quyết vấn đề trên một cách nghiêm túc. "Nhà chức trách Trung Quốc luôn coi các vụ việc liên quan tới bí mật thương mại là tranh chấp thương mại bình thường thay vì coi đó là sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng".

  • Hoài Linh (Theo Reuters)