Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tin rằng mafia Nga là "mafia của tất cả các loại mafia". Các tên tuổi mafia như là Cosa Nostra và Yakuza trở nên lu mờ trước những băng đảng lớn và kinh khủng của Nga.

Điều này có hàm ý gì?

Hình minh họa. Nguồn ảnh: videogamesblogger
Vào tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một sắc lệnh đưa vào các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với các nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Nếu các nhà cầm quyền Mỹ nghĩ rằng bạn có bất kỳ mối quan hệ nào với các lực lượng ngầm, họ có thể từ chối bạn nhập cảnh vào Mỹ, khóa các tài khoản ngân hàng của bạn, vân vân và vân vân.

Bộ Tài chính Mỹ đã gộp các công dân Nga vào danh sách đen của nhóm "Hội Huynh đệ". Các quan chức Mỹ cho rằng hội này hoạt động tại Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh và đe dọa chiến lược tới lợi ích của Mỹ. Do đó, dẫn tới kết luận các băng đảng Nga đang thống trị thế giới.

Có vẻ như Nga sẽ phải vô cùng cảm kích trước động thái này của Mỹ đối với cuộc chiến chống mafia của họ. Tuy nhiên, có vẻ như là rất dễ để thâm nhập vào giới mafia này nhưng lại rất khó để thoát ra khỏi họ. Không phải là những băng đảng, mà chính các quan chức Mỹ khiến cho bạn có cảm giác bạn cũng thuộc về băng đảng này.

Một trong những thành viên thường trực của mafia Nga (theo cách gọi của Mỹ) là Anzori Aksentyev-Kikalishvili nói: "Hồi năm 1994, tôi từng viết một bức thư cho ông Clinton - sau này là Tổng thống Mỹ, trong thư tôi có thúc giục ông ấy ngừng phát triển một loại vũ khí về ý thức hệ được mang tên là 'mafia Nga'. Bức thư đó đã khiến cho tôi 'một lần và mãi mãi' trờ thành thành viên của băng đảng xã hôi đen. Giờ đây, tôi là một tên mafia khét tiếng, thậm chí còn khủng khiếp hơn cả ca sĩ Liên Xô Joseph Kobzon (Mỹ cũng liệt danh ca này vào thành viên của băng đảng mafia).  Kobzon thậm chí còn hỏi tôi rằng, tôi hẳn là phải có gì đó đặc biệt lắm thì mới bị Mỹ coi là nguy hiểm hơn cả ông ấy".

Công bằng mà nói, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất có quan điểm như vậy. Một năm trước, tờ Daily News của Anh từng viết rằng mafia Nga kiểm soát 70% nền kinh tế Nga, cũng như các hoạt động kinh doanh mại dâm tại Macao, Trung Quốc và Đức. Theo các nhà báo người Anh, mafia Nga kiểm soát hoạt động buôn lậu ma túy tại Tajikistan và Uzbekistan, rửa tiền tại đảo Síp, Israel, Bỉ và cả ở Anh. Danh sách này còn tiếp tục kéo dài với buôn lậu xe ôtô ăn cắp và nguyên liệu hạt nhân.

Bảng "thành tích bất hảo" này thật ấn tượng, nhưng làm thế nào để cho một nhóm tội phạm Nga lại có thể một mình điều hành hoạt động mại dâm trên khắp đất Trung Quốc?

Đối với các nước phương Tây, các nhóm tội phạm tại Nga rất xảo quyệt và tinh vi. Khi chính quyền Xô Viết sụp đổ, các nhóm này đã tìm kiếm những nơi cu trú mới.  Chẳng hạn như Vyacheslav Ivankov đã mua ngay một tấm vé cao chạy xa bay sang Mỹ ngay khi mãn hạn tù ở Nga. Sang Mỹ, Ivankov được coi như một người hùng kiểu Robin Hood. Báo chí Mỹ vinh danh Ivankov như một "Solzhenitsyn" - nhà văn Nga được trao giải Nobel. 

Trường hợp của Ivankov nói riêng và mafia Nga nói chung đã bị thổi phồng và tha hóa tại Phương Tây. Mafia Nga hiển nhiên là tồn tại, nhưng nó cũng không có gì khác biệt với mafia tại các nơi khác, như là nhóm Cosa Nostra (băng đảng mafia Mỹ có nguồn gốc từ Italy), Yakuza (Nhật Bản) hay Ndrangheta (tổ chức mafia của Italy)... Những chuyện hoang đường đó đã được dựng lên với mục đích mang lại lợi ích nào đó. Các bộ phận chuyên môn sẽ được lập ra và các nguồn vốn khổng lồ được bỏ ra để giải ngân cho việc chống lại mafia Nga. Các nhà báo có thể giật ra những cái tít thật sốc cho các tin tức trong những buổi chiều "ế ẩm", và các chính trị gia sẽ đạt được các ý đồ của mình. 

Nhờ đó, mafia Nga trở nên nổi danh như cồn. Trong khi vốn dĩ các "bố già" của Nga sẵn sàng tự tạo danh tiếng bằng cách tự thuật chuyện đời của họ với cả thế giới thì khó có thể tưởng tượng các thành viên của Cosa Nostra hay Yakuza lại có thể tổ chức họp báo. Nhưng, mafia Nga lại không hề ngần ngại trả lời phỏng vấn của cánh báo chí.

Hệ quả là vào năm 1993, các cơ quan đầu não của FBI tại Washington đã thiết lập một cơ quan đặc biệt để đối phó với các nhóm tội phạm có tổ chức của Nga. Một bộ phận khác cũng được thiết lập sau đó tại New York.

Một bản tin nổi bật về mafia Nga sẽ có dạng như: "Một nhóm tội phạm gian lận khoảng 3.4 triệu USD đã dàn dựng một vụ tai nạn xe hơi". Câu hỏi đặt ra là, liệu mafia Nga có thể là nhóm tội phạm giàu có và quyền lực nhất thế giới được hay không, khi mà ma túy mới chính là nguồn thu nhập khổng lồ nhất cho các băng đảng xã hội đen?

Các băng đảng của Nga không sản xuất ma túy - họ chỉ có thể mua bán hoặc vận chuyển loại hàng cấm này. Các đặc vụ (Mỹ) không bao giờ để yên cho những người cung cấp ma túy. Chẳng hạn như, các nguồn thu chính từ những chủ đồn điền ma túy ở Colombia đã mang lại cho họ cả một đội quân khổng lồ, cùng với trực thăng và vũ khí để chống trả những cuộc tấn công thường xuyên của quân đội Mỹ. Xét toàn diện thì mafia Nga còn xa mới được như vậy.

  • Lê Thu (tổng hợp từ Pravda/Guardian/CNN)