Với 755 nhân viên phải rời công việc tại đại sứ quán và các lãnh sự quán Mỹ ở Nga, các nhà ngoại giao Mỹ đang đối mặt với một cuộc "di cư" chưa từng có tiền lệ sau "tối hậu thư" của Tổng thống Vladimir Putin.

NBC News dẫn lời James Nixey – Giám đốc Chương trình Nga và Âu - Á tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London – mô tả: "Chưa từng có lần trục xuất nào xảy ra ở mức độ đó. Điều này chưa từng có tiền lệ".

{keywords}

Sứ quán Mỹ ở Moscow. (Ảnh: AP)

Tổng thống Putin, hôm 30/8, ra lệnh cắt giảm một số lượng lớn các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Nga. Hôm sau đó, một phát ngôn viên Kremlin nói Washington có thể cắt giảm các nhà ngoại giao và nhân viên địa phương.

Các cơ quan ngoại giao có thể thuê nhân viên ở địa phương để xử lý những nhiệm vụ ít cần thiết hơn trong các phái bộ - từ bảo trì chung cho tới hỗ trợ bộ phận visa.

Theo Michael McFaul, Đại sứ Mỹ tại Nga từ 2012 - 2014, sự cắt giảm này rất khó thực thi. Ông nhớ lại những khó khăn khi phải đóng cửa các văn phòng của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, với tổng cộng 70 nhân viên, trong nhiệm kỳ của ông.

"Công việc của chúng ta ở Nga sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì việc này" – ông McFaul bình luận.

Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2013, có tổng cộng 1.279 nhân viên làm việc cho sứ quán ở Moscow, ba tổng lãnh sự quán ở St. Petersburg, Yekaterinburg, và Vladivostok, và một cơ quan lãnh sự ở Yuzhno-Sakhalinsk.

Trong số đó có 301 người từ Mỹ và 934 người thuê ở địa phương. Chỉ nhân sự Mỹ mới được tiếp cận các thông tin mật và nhạy cảm.

Các nhân viên ở bộ phận chính trị hoặc kinh tế được xem là cần thiết và phần lớn không chịu tác động từ quyết định của ông Putin. Người Nga xin visa vào Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng, với thời gian chờ đợi sẽ lâu hơn.

Steve Pifer, cựu Đại sứ Mỹ ở Ukraina, nhận xét: "Lệnh trục xuất sẽ tác động đến các hoạt động của sứ quán, nhưng tôi cho rằng đội ngũ nhân sự Mỹ sẽ chứng tỏ được sức mạnh và sự tháo vát tốt hơn người Nga nghĩ".

Pifer từng phục vụ tại sứ quán Mỹ ở Moscow trong thời gian diễn ra lần trục xuất nhân viên quy mô lớn năm 1986. Do vậy, ông hiểu rõ những gì các nhà ngoại giao ngày nay phải đối mặt.

Khi đó, tất cả các công dân Liên Xô bị cấm làm việc tại sứ quán – tương đương khoảng 250 vị trí công việc. Hành động của Moscow khi đó là để trả đũa việc Mỹ trục xuất 55 nhà ngoại giao từ Liên Xô.

Trong vòng một ngày thực thi quyết định, tất cả các nhân viên sứ quán đều phải làm việc "đa năng", theo ông Pifer.

"Tức là tôi làm công việc bình thường 4 ngày một tuần còn 1 ngày một tuần thì tôi phải lái xe tải, xách các túi ngoại giao và chuyển đồ. Tinh thần năm 1986 là mọi người đều phải xắn tay vào, và tôi chắc đó cũng là tinh thần của sứ quán bây giờ".

Thanh Hảo