Mỹ vừa đề xuất một loạt các biện pháp mới nhằm trừng phạt Triều Tiên, trong đó có lệnh cấm về dầu lửa và phong tỏa các tài sản của ông Kim Jong Un.

Theo hãng tin BBC, Washington đã soạn một nghị quyết Liên Hợp Quốc để đáp trả vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng và nghị quyết này sẽ được các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra bàn bạc.

{keywords}

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: KCNA)

Dự thảo nghị quyết kêu gọi cấm cung cấp một loạt mặt hàng dầu lửa cho Triều Tiên và mua các sản phẩm dệt may của nước này. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cũng sẽ bị phong tỏa tài sản và bị cấm đi lại.

Động thái mới của Mỹ được đưa ra sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử mới nhất trong chương trình vũ khí hạt nhân đang tăng tốc của nước này. Các nhà chức trách Bình Nhưỡng tuyên bố đã sản xuất được bom nhiệt hạch (còn gọi là bom khinh khí, bom H), đủ nhỏ để lắp lên một tên lửa tầm xa. Họ đã nổ thử loại bom này ngày 3/9, ít ngày sau khi phóng một tên lửa qua nhiều khu vực đông dân của Nhật Bản.

Hiện chưa rõ kế hoạch của Mỹ có nhận được sự ủng hộ của Nga hoặc Trung Quốc hay không, vì cả hai đều bày tỏ sự hoài nghi về chuyện tăng cường trừng phạt. Hai quốc gia này là nguồn cung cấp dầu lửa của Triều Tiên, và cả hai có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.

Một biện pháp nữa trong dự thảo nghị quyết mà Mỹ soạn thảo là cấm tuyển dụng lao động Triều Tiên ở nước ngoài.

Theo BBC, tiền từ xuất khẩu dệt may và lao động ở nước ngoài được cho là hai nguồn thu nhập quan trọng nhất của Triều Tiên hiện nay.

Tại một cuộc gặp của Hội đồng Bảo an trước đó trong tuần, đại sứ Mỹ Nikki Haley nêu thực tế 20 năm tăng cường cấm vận không ngăn được Triều Tiên phát triển vũ khí. "Thế là đủ rồi. Giờ đây chúng ta phải thông qua các biện pháp mạnh nhất có thể", bà nói.

Theo hãng thông tấn Reuters, nữ đại sứ Mỹ muốn Hội đồng Bảo an bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết vào thứ Hai tuần tới. Nhưng động thái này rất có thể bị các thành viên khác phản đối.

Phía Tổng thống Nga Vladimir Putin lập luận lượng dầu mà đất nước ông xuất khẩu sang Triều Tiên - khoảng 40.000 tấn – là không đáng kể. Ông cho rằng cấm vận không phải là giải pháp.

Trung Quốc kêu gọi đối thoại, dù cũng ủng hộ các lệnh cấm vận mới đây chống lại Bình Nhưỡng sau các vụ thử tên lửa.

Hồi tháng 8, một vòng trừng phạt mới đánh vào xuất khẩu của Triều Tiên, trong đó có than đá, ước tính khiến nước này thiệt thại khoảng 1 tỷ USD, tương đương 1/3 tổng nền kinh tế xuất khẩu.

Trong một diễn biến khác, Khối quân sự NATO ra tuyên bố kêu gọi tất cả các nước tăng cường nỗ lực áp đặt trừng phạt đối với Triều Tiên để buộc nước này dừng thử vũ khí. Tất cả 29 đại sứ của Khối đã thông qua tuyết bố, trong đó khẳng định mọi thành viên cần thực thi các lệnh sẵn có của Liên Hợp Quốc một cách triệt để và minh bạch, đồng thời gia tăng các biện pháp buộc Bình Nhưỡng từ bỏ con đường gây đe dọa và bất ổn.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 7/9 đưa tin, Mỹ bắt đầu triển khai thêm 4 bệ phóng của hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD. Theo Yonhap, một đoàn xe tải chở các bộ phận của 4 bệ phóng này đã rời căn cứ không quân Mỹ ở thành phố Osan, tỉnh Gyeonggi, để tới thành phố Seongju thuộc tỉnh Gyeongbuk, nơi lắp đặt THAAD.

Thanh Hảo