Tổng thống Donald Trump từ lâu đã bày tỏ ông sẵn sàng gặp mặt trực tiếp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un – và gợi ý này vấp phải nhiều chỉ trích từ các nhà lập pháp lưỡng đảng Mỹ.

Nhưng liên tiếp những bước tiến rốt ráo gần đây trong tham vọng phát triển một vũ khí hạt nhân có tầm bắn tới Mỹ đã khiến nhiều người thừa nhận ý tưởng ràng buộc ngoại giao trực tiếp với Bình Nhưỡng, thậm chí khởi sự một cuộc gặp trực tiếp giữa ông Trump và Kim Jong Un, là có lý.

{keywords}
Ảnh: BBC

Tổng thống Trump thấy bản thân ông đang ở vào thời điểm quan trọng trong việc xác định một chính sách ngoại giao hiệu quả về Triều Tiên.

Sau nhiều tháng leo thang căng thẳng vì các cuộc khẩu chiến và phô trương sức mạnh quân sự, Bình Nhưỡng đã phóng hai tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong tháng 7. Thành tích này chứng tỏ chương trình tên lửa của Triều Tiên đã đạt tiến bộ lớn bất chấp nhiều năm chịu cấm vận quốc tế.

Mỹ và các đồng minh trong khu vực mạnh mẽ lên án hành động của Triều Tiên, và Nhà Trắng tuyên bố đang cân nhắc "mọi lựa chọn". Tuy vậy, Mỹ vẫn chưa đưa ra lời giải thích rõ ràng về cách thức họ sẽ hành động, dù đánh giá tình báo cho thấy Triều Tiên có thể có một ICBM bắn tới Mỹ vào năm 2018.

"Tổng thống đã nói rất rõ cảm nhận của ông về Triều Tiên. Như chúng tôi đã lên tiếng nhiều lần, chúng tôi sẽ không công bố những gì sẽ thực hiện" – Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói hôm 1/8.

Chính sách của chính quyền ông Trump đến nay vẫn là tăng cường sức ép lên Bình Nhưỡng thông qua cấm vận để buộc chính quyền ông Kim Jong Un ngồi vào bàn đàm phán. Tuy vậy, một số nhà phân tích cho rằng những tiến bộ mà Triều Tiên đạt được trong chương trình tên lửa đã và đang thay đổi cuộc chơi.

Trò chuyện với hãng tin CNN, các quan chức Mỹ khẳng định các lựa chọn quân sự đối với Triều Tiên đã được chuẩn bị sẵn và có thể trình lên Tổng thống Trump bất kỳ lúc nào.

Khi được hỏi về chiến lược xử lý khủng hoảng Triều Tiên, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói các lựa chọn quân sự có thể được sử dụng để ngăn chặn đe dọa từ Bình Nhưỡng."Tôi cho rằng (các lựa chọn quân sự) là không thể tránh được nếu Triều Tiên tiếp tục", ông nói trên chương trình Today của NBC.

Nhưng với hàng triệu người vô tội và gần 30.000 lính Mỹ ở Hàn Quốc và trong tầm bắn của tên lửa Bình Nhưỡng, chính quyền Mỹ tỏ dấu hiệu vẫn hy vọng tìm ra một giải pháp ngoại giao mặc dù đã thất bại trong việc thuyết phục Trung Quốc thực thi một vai trò quyết đoán hơn để thúc ép Triều Tiên đối thoại.

"Đối thoại chứa đựng cơ hội tốt nhất hạn chế chương trình tên lửa của Triều Tiên nhưng chỉ là một cơ hội nhỏ nhoi", Adam Mount - một thành viên cấp cao của Trung tâm Tiến bộ Mỹ - nhận xét.

Một số nhà lập pháp Mỹ giờ đây đã công khai ủng hộ ý tưởng ràng buộc ngoại giao với Triều Tiên, với một số người tỏ ra sẵn sàng cổ vũ đối thoại trực tiếp với chính quyền Kim Jong Un.

"Nếu lựa chọn giữa xung đột quân sự với đối thoại thì tôi ủng hộ đối thoại" - nghị sĩ Dân chủ Ted Lieu nói với CNN. Nghị sĩ cùng đảng Martin Heinrich cũng tán thành con đường ngoại giao nhưng nhấn mạnh Mỹ không nên từ bỏ ràng buộc Trung Quốc vào vấn đề này.

Tổng thống Donald Trump liên tục thúc giục Bắc Kinh hành động nhiều hơn để gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa. Tuy nhiên, ông đạt được rất ít thành công. Và nếu Trung Quốc không hợp tác, Mỹ có thể sẽ phải tự hành động.

Hôm 1/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã xuống giọng khi nói rằng Mỹ dường như sẵn sàng hướng tới các cuộc đối thoại trực tiếp nếu Triều Tiên đồng ý trước sẽ giải trừ hạt nhân - một chính sách mà chính quyền Obama từng thực thi nhưng bất thành và bị nhiều chuyên gia đánh giá là lỗi thời.

Thanh Hảo