Các đại diện của Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những phát biểu thể hiện quan điểm khác biệt về Triều Tiên tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore hôm nay (2/6).
Ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cảnh báo các nhà phân tích an ninh về hành xử trong quá khứ của Bình Nhưỡng, người đồng cấp Hàn Quốc Song Young Moo lập tức cho rằng nghi ngờ ý định của lãnh đạo Triều Tiên sẽ gây trở ngại cho tiến trình hòa bình.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young Moo phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore ngày 2/6. (Ảnh: EPA) |
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Onodera cho rằng không nên "thưởng" cho Triều Tiên chỉ vì đồng ý đối thoại. Ông nêu ra việc Bình Nhưỡng từng ký kết một số thỏa thuận chấm dứt chương trình hạt nhân nhưng rốt cuộc vẫn tăng cường phát triển vũ khí này.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Onodera nói: "Chúng ta đã chứng kiến sự lặp lại lịch sử khi Triều Tiên tuyên bố giải trừ hạt nhân, tự thể hiện là hòa giải và tiến bộ, nhưng lại thay đổi và tránh né mọi nỗ lực quốc tế hướng tới hòa bình".
Ông nhắc lại việc Triều Tiên cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân hiện thời trong các cuộc đàm phán 6 bên năm 2005 nhưng vẫn tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên năm 2006 và mãi đến năm ngoái mới dừng phóng tên lửa đạn đạo.
Theo quan chức này, cách duy nhất để đem lại hòa bình là đảm bảo Triều Tiên có các hành động cụ thể nhằm chấm dứt toàn bộ chương trình hạt nhân, và chương trình phát triển vũ khí đạn đạo tầm xa, tầm trung hay tầm ngắn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young Moo lập luận: "Các thời đại là khác nhau. Triều Tiên giờ đã có lãnh đạo mới. Và tôi tin Triều Tiên đang tìm cách thay đổi tiến trình lịch sử và sắp đưa ra hành động quyết định hướng tới việc đó".
Ông Song nói thêm, nếu tiếp tục nghi ngờ ý định của lãnh đạo Triều Tiên thì "không bao giờ có thể đàm phán với họ và không bao giờ có thể đạt được hòa bình với họ".
Bộ trưởng Nhật Onodera tiếp tục: "Chúng ta hiểu là các tên lửa tầm ngắn nằm trong mọi tên lửa đạn đạo và cần phải từ bỏ. Đây là những gì chúng tôi sẽ yêu cầu từ Triều Tiên".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Song đánh giá "những mối đe dọa như vậy rồi sẽ tiêu tan theo thời gian" khi Bình Nhưỡng gia nhập cộng đồng quốc tế và thiết lập các mối quan hệ ngoại giao với thế giới.
"Không có lý do gì để họ phát triển và duy trì một vũ khí mà họ không cần sử dụng đến, bởi vì nó giới hạn các nguồn lực dành cho phát triển kinh tế", người đứng đầu Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói thêm.
Cuộc 'đấu khẩu' giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra ít giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra như dự kiến vào ngày 12/6 ở Singapore để bàn việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Thanh Hảo
Triều Tiên bất ngờ diễn tập rầm rộ
Triều Tiên mới đây đã tiến hành diễn tập bắn đạn thật trên biển Nhật Bản, trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Ngoại trưởng Nga kêu gọi gỡ bỏ theo giai đoạn lệnh trừng phạt Triều Tiên
Ngoại trưởng Sergei Lavrov tới Bình Nhưỡng hôm nay (31/5) trong một sứ mệnh nhằm đưa Nga vào chiến dịch ngoại giao liên quan Triều Tiên.
Kết luận thẳng thừng của CIA về hạt nhân Triều Tiên
Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) vừa ra một báo cáo mới với kết luận rằng Triều Tiên không có ý định từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Quá trình giải trừ hạt nhân Triều Tiên mất bao lâu?
Dù chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn "phi hạt nhân hóa nhanh chóng bán đảo Triều Tiên", nhưng một cố vấn hàng đầu Mỹ cảnh báo quá trình có thể lâu hơn nhiều.
Ông Trump bất ngờ khen Triều Tiên 'tiềm năng xán lạn'
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bất ngờ dành cho Triều Tiên những lời khen ngợi tốt đẹp, sau khi quan chức hai bên gặp nhau ở làng đình chiến để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh song phương.