Trọng lực kinh tế toàn cầu đã và đang chuyển dần sang khu vực châu Á. Đi kèm với sự dịch chuyển đó là mối quan hệ ngày càng trở nên sâu sắc trong khu vực. Na Uy ủng hộ cho xu thế phát triển này.

LTS: Trong những năm qua, Na Uy đã tích cực tăng cường mối quan hệ của mình với châu Á. Bài viết dưới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Børge Brende cho thấy được những lý do đưa ra chính sách trên, cũng như phác thảo được những lĩnh vực hợp tác tiềm năng nhất trong tương lai.

VietNamNet xin giới thiệu toàn văn bài viết này.

Na Uy đã nỗ lực tham gia một số diễn đàn hợp tác kinh tế và chính trị quan trọng nhất châu Á. Năm 2012, Na Uy được kết nạp làm thành viên Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) – Diễn đàn đối thoại chính trị quan trọng giữa châu Á và châu Âu.

ASEM là cơ chế có giá trị và hiệu quả để chúng tôi thảo luận các vấn đề chính trị cùng các đối tác của mình ở châu Á và châu Âu. Đến năm 2015, Na Uy được chính thức công nhận là đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN – và trở thành nền kinh tế ngoài khu vực có quy mô trung bình đầu tiên trên thế giới được trao tư cách này.

{keywords}
Ngoại trưởng Na Uy. (Ảnh: Daily Mail)

Tăng cường thương mại đầu tư là một trong những lý do chính mà chúng tôi tiếp cận châu Á. Khu vực này hiện chiếm 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, và theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đến năm 2050 con số đó sẽ tăng lên hơn 50%.

Ở các nước như Ấn Độ hay Trung Quốc, tăng trưởng luôn đi kèm với việc đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Việt Nam từ vị trí một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới đã trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010.

Hơn nữa, khi mà tự do thương mại đang bị thúc ép, nhiều quốc gia châu Á đã có những động thái đáng hoan nghênh nhằm loại bỏ các rào cản thương mại trong khu vực. Na Uy luôn luôn ủng hộ mạnh mẽ cho tự do thương mại.

Mới đây, chúng tôi đã tập hợp được hơn 20 quốc gia tại Oslo để cùng nhau đẩy nhanh hơn chương trình nghị sự về thương mại tự do của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng của WTO sẽ diễn ra tại Buenos Aires trong năm 2017.

Quan hệ thương mại giữa Na Uy và châu Á ngày càng phát triển sâu rộng. Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Na Uy. Kim ngạch mậu dịch của Na uy với Việt Nam nói riêng đã tăng hơn 30% trong năm vừa qua. Chúng tôi mong muốn quan hệ giao thương với châu Á tăng trưởng nhiều hơn nữa.

Là thành viên của Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu, Na Uy coi việc đàm phán hiệp định thương mại tự do với một số quốc gia châu Á trong đó có Philippines, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam, là ưu tiên hàng đầu. Na Uy cũng đang tiến hành đàm phán với Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.

Quan hệ kinh tế giữa Na Uy và châu Á đã có bề dày lịch sử hàng thế kỷ.

Từ những năm 1850, khi Trung Quốc và Ấn Độ là những nền kinh tế lớn chiếm gần 50% GDP toàn cầu, và khi Tokyo còn là thủ đô chỉ có vài triệu dân, thì hạm đội tàu buôn của Na Uy đã đứng đầu thế giới. Các thương thuyền và đội ngũ thủy thủ của Na Uy đã từng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của các nước châu Á cách đây 150 năm.

Hiện tại, các công ty của Na Uy trong lĩnh vực hàng hải vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng tại nhiều quốc gia châu Á. Đồng thời, chúng tôi cũng đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thủy điện, và dầu khí. Hiện có khoảng 500 công ty Na Uy hiện diện tại khu vực, góp phần vào sự gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp ở đây. Khu vực công của Na Uy cũng đang đầu tư ở châu Á.

Quỹ Hưu trí Toàn cầu của Chính phủ Na Uy (Government Pension Fund Global), một trong những quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới với gần 900 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài, đã dùng trên 20% vốn của mình để đầu tư vào châu Á.

Đầu năm nay, Na Uy đã trở thành một trong các thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Á Châu (AIIB) cung cấp 550 triệu USD vốn. Cũng không phải ngẫu nhiên mà mới đây Na Uy vừa thành lập hai phái đoàn ngoại giao của mình tại Mumbai và Yangon. Điều này thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc hội nhập sâu rộng hơn với châu Á.

Một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác với châu Á là Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền Vững. Giải quyết các thách thức toàn cầu như giáo dục, y tế và biến đổi khí hậu là những vấn đề quan tâm chung của chúng ta.

Na Uy đã tham gia hợp tác sâu rộng với Indonesia trong các nỗ lực giảm phát thải từ phá rừng thông qua Chương trình REDD+, và đã cam kết hỗ trợ 1 tỷ USD cho các nỗ lực này. Na Uy cũng đang đồng hành cùng Việt Nam trong việc thực hiện các sáng kiến chuyển đổi lâm nghiệp và cộng tác với các nước láng giềng trong khu vực sông Mekong để giảm bớt tình trạng phá rừng.

Hàng hải và kinh tế biển cũng là những lĩnh vực chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt. Các công ty hàng đầu thế giới của Na Uy trong những lĩnh vực này đã đầu tư vào châu Á. Với kinh nghiệm của mình, Chính phủ Na Uy hy vọng sẽ khuyến khích sự phát triển của ngành vận tải biển, kinh tế biển và nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.

Đảm bảo sự lành mạnh và hiệu quả của đại dương cho các thế hệ tương lai là một ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của Na Uy. Chúng tôi hiện đang hoàn tất việc xây dựng một chiến lược mới của chính phủ để thúc đẩy mục tiêu này, bao gồm cả ở khu vực châu Á.

Lĩnh vực hợp tác quan trọng thứ ba của Na Uy với châu Á là thúc đẩy hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế và quyền con người. Na Uy đã và đang giữ vai trò điều phối trong các quy trình hòa bình ở một số nước châu Á, và trọng tâm hiện nay là ở Philippines, nơi đang tiến hành các phiên đàm phán chính thức.

Những thay đổi toàn cầu đang ảnh hưởng sâu sắc tới châu Á – từ góc độ phát triển kinh tế, trong bối cảnh dịch chuyển địa chính trị, và những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Chúng ta đều là một phần của cộng đồng quốc tế và đều bị ảnh hưởng bởi những diễn tiến này.

Vì thế Na Uy luôn sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực, trên cơ sở song phương và thông qua các diễn đàn khu vực, để tìm ra những giải pháp phát triển bền vững và ổn định cho châu Á.

Børge Brende