- Nghề cò cầu thủ không dành cho những tay mơ, hẳn nhiên là như thế. Nhưng ngay cả với những "siêu cò" như Trần Tiến Đại, Mauro, Mae Mua...cũng gặp rất nhiều chuyện bi hài khó đỡ trong suốt sự nghiệp của mình.


Méo mặt vì...hàng lởm, vì sự cố

Như ở những kỳ trước đã nói, nghề môi giới cầu thủ kiếm tiền rất nhanh, nhưng cũng lại là nghề vô cùng rủi ro và rất dễ "sập tiệm" bậc nhất nếu không gặp may mắn.

{keywords}

Cò Trần Tiến Đại gặp nhiều sự cố trong sự nghiệp

Hẳn "siêu cò" Trần Tiến Đại vẫn khó có thể quên những sự cố trong suốt cả chục năm làm nghề của mình. Điển hình như vụ bị 1 nhóm cầu thủ châu Phi đuổi đánh ở trung tâm Thành Long năm nào.

Nguyên nhân của sự việc dù không được tiết lộ, nhưng theo rất nhiều người chứng kiến câu chuyện rốt cuộc cũng chỉ xoay quanh việc siêu cò của BĐVN "chặt" tiền phế hơi quá tay đối với nhóm cầu thủ này.

Không những bị đánh, trong sự nghiệp của mình siêu cò nổi tiếng nhất BĐVN cũng từng méo mặt vì 2 vụ cầu thủ của mình đột tử. Vụ thứ nhất là của Clement Francis (QK4 trước đây), và Vedaste (Đồng Nai).

Méo mặt bởi ở cả hai sự cố này cả hai cầu thủ vừa sang từ châu Phi sang vẫn đang trong giai đoạn thử việc, nên khi Clement Francis, Vedaste đột tử cò Đại buộc phải chi trả toàn bộ chi phí để đưa thi hài cả hai về nước.

Đó là những sự cố mà không tay cò nào muốn khi lặn lội đưa và nuôi quân từ châu Phi sang Việt Nam. Còn chuyện "hàng lởm" thì vô số, đến mức nhiều tay cò sau này coi những bản CV hoành tráng mà các cầu thủ đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo là chủ yếu.

Mà chuyện hàng lởm không chỉ dừng lại ở việc không sử dụng, hay bỏ luôn riêng chuyện lo vé máy bay để sang Việt Nam thử việc đôi khi cũng là một khoản chẳng nhỏ.

Và nếu như không thể "đẩy" được cho đội bóng nào thì coi như mất trắng. Thậm chí, nhiều cầu thủ châu Phi sau khi bị thải loại không có tiền trở về nước bèn bám lấy "cò" để xin tiền sống qua ngày.

{keywords}

Nhưng còn may mắn hơn nhiều so với đồng nghiệp Raul Pitanaro

Những câu chuyện về "hàng phế thải" kiểu như thế tất cả các tay cò đều đã trải qua chứ không trừ bất cứ ai. Kể cả đó là những người đầy kinh nghiệm như ông Trần Tiến Đại, Mauro...

và vì đồng nghiệp chơi xấu

Ở thời kỳ đỉnh cao không tính các HLV làm cò cầu thủ như một nghề tay trái, kiếm thêm ở thị trường Việt Nam có cả chục người làm nghề môi giới đến từ nhiều quốc gia lẫn ngành nghề khác nhau.

Thế nhưng, dù thị trường màu mỡ béo bở thật nhưng không phải ai cũng thành công. Thậm chí nhiều tay cò đã phải "ôm đầu máu" vì hàng của mình không thể bán cho được bất cứ ai, bởi bị đồng nghiệp chơi xấu, chèn ép.

Raul Pigtanaro là một ví dụ điển hình, tay cò này có chứng chỉ hành nghề môi giới, quản lý do chính FIFA cấp (giống như siêu cò Mendes) có nguồn hàng tương đối tốt được kiểm chứng ở các thị trường Nhật, Hàn...

Đánh hơi rất nhanh, Raul hăm hở đến với thị trường Việt với khát vọng làm giàu. Nhưng chỉ đúng 3 tháng, tay cò đến từ Nam Mỹ đã chấp nhận bỏ của chạy lấy người khi liên tục nhận những cái lắc đầu của nhiều đội bóng.

Cầu thủ của tay cò người Argentina mang sang dải đất hình chữ S không hề tồi, chỉ có điều khi thử việc các đồng đội người Việt hay quân của các nhà môi giới khác không chuyền bóng, không thân thiện.

Để cuối cùng, tất cả những buổi tập thử việc quân của Raul Pigtanaro đều hỏng và không thể hiện được bất cứ điều gì để khiến các đội bóng có thể ký hợp đồng.

Raul Pigtanaro chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân kiểu như thế, giống như bà Mae Mua, Babu, Achilefu...mà thôi. Và mỗi người dù "sập tiệm" mỗi kiểu nhưng hơn hết vẫn là việc môi trường quá khốc liệt, quá nhiều thủ đoạn ở đó.

{keywords}

Giải nghệ, cả Buba (trái) lẫn Achilefu đã nhận nhiều cay đắng sau khi sang làm cò cầu thủ

Sớm nhận ra, và coi như bỏ luôn thị trường Việt (ở thời điểm màu mỡ) như Raul hay bà Mae Mua là còn tốt. Còn như các cựu cầu thủ là Babu, Achilefu, Maucirio mới khốn khổ, dù đã chơi bóng và sống ở dải đất hình chữ S nhiều năm.

Bi hài nhất là "cò" Babu, cựu cầu thủ của Tây Ninh sau 1 thời gian góp vốn để bước vào môi giới rốt cuộc thất bại sạch sẽ để đến mức có thời gian người ta thấy chân sút này mang theo bao đồ thể thao xuống sân Thành Long để...chào bán kiếm bạc cắc để sống...

Vào thời điểm hiện tại, nghề môi giới ở dải đất hình chữ S đã không còn màu mỡ nữa. Thậm chí gần như chỉ là nghề tay ngang của các HLV, lãnh đạo nhiều đội bóng mà thôi.

Nguyên nhân khiến nghề cò cầu thủ dần biến mất rất đơn giản là bởi V-League, hay giải hạng Nhất đã hạn chế ngoại binh. Nhưng quan trọng nhất là bởi nguồn tiền không còn dồi dào như trước.

Các đội bóng hạn chế chi tiêu tối đa, hoặc tự tay đi tìm quân ở nước ngoài...khiến nghề cò cầu thủ không còn nhiều đất sống và buộc phải giải nghệ để làm việc khác.

Như "siêu cò" Trần Tiến Đại là một ví dụ điển hình, với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề cựu HLV của Ninh Bình, SGXT này đủ hiểu đã đến thời khó kiếm ăn để chuyển luôn sang công việc kinh doanh hàng may mặc độ đôi năm trước.

Suy cho cùng, với một giải bóng đá nửa chuyên nửa bán chuyên như ở Việt Nam để nghề môi giới, quản lý cầu thủ vốn rất mạnh trên khắp hành tinh tồn tại được là rất khó, và chỉ có thể ăn xổi mà thôi...

Tuệ Anh