- Khi HN.T&T lên ngôi vô địch Toyota V-League 2016, có người thán phục, trầm trồ và có kẻ thì buông lời dèm pha. Vì vậy chức vô địch V-League thứ 3 trong lịch sử đội bóng Thủ đô có thể gói gọn: kỳ tích, kỳ dị và… kỳ thị.
Vô địch kiểu T&T
Khi Gonzalo “gõ” đầu tung lưới Thành Thắng ở cuối trận, HLV Chu Đình Nghiêm và cộng sự nhẩy cẫng lên rồi ôm nhau khóc. Ở Lạch Tray, ống kính camera cận cảnh khuôn mặt HLV Trương Việt Hoàng, biểu lộ sự thất thần. Kẻ lên ngựa, người chia bào. Tất cả giống như định mệnh đã sắp đặt.
BHL HN.T&T ôm nhau khóc khi lên ngôi vô địch V-League 2016 |
HN.T&T vô địch dĩ nhiên làm nhiều người không vui. Ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch CLB HN.T&T, trong phút đăng quang của đội nhà đã dùng nhiều động tự mạnh để đáp trả cho những chỉ trích, dèm pha mà đội bóng Thủ đô đã chịu ở suốt chặng đua nước rút. Cốt lõi vấn đề nằm dấu hỏi: HN.T&T được dồn để vô địch V-League trong năm kỷ niệm sinh nhật thứ 10?
Nghịch lý ở chỗ đấy, và những uất ức mà HN.T&T chịu đựng cũng xuất phát từ những lời dèm pha, ganh ghét. Vì nỗi ám ảnh HN.T&T “vô địch nhờ hoạch định” nên tất cả quên rằng, Hải Phòng đã tự ngã trước Cần Thơ hay SHB.Đà Nẵng thua Khánh Hòa để trao cờ cho đội bóng Thủ đô. 5 trận nước rút, thầy trò Chu Đình Nghiêm toàn thắng, giữ sạch lưới. Con số thống kê rất biết nói: HN.T&T thủng lưới 28 bàn, ít nhất V-League mùa này và thông thường, đội bóng ít thủng lưới nhất thì cũng thường lên ngôi V-League.
Những lời ganh ghét, dèm pha làm chức vô địch của HN.T&T bị nghi ngờ có dàn xếp. Nhưng có ghét HN.T&T đến mấy cũng phải thừa nhận: Đội bóng Thủ đô làm quá tốt. 8 năm chơi ở V-League, HN.T&T có 7 năm “không nhất thì nhì”. Ngay cả B.Bình Dương- đội bóng sở hữu 4 chức vô địch- cũng không bao giờ làm được như vậy. Kỳ tích của HN.T&T mùa này là việc “chấp” đối thủ 5 vòng (5 trận 1 điểm, đứng bét bảng), thay tướng giữa dòng và đội hình, có đến một nửa là lứa trẻ lần đầu đá tại V-League. Nó rất khác với cảnh khốn đốn của HAGL khi đôn trẻ lên ở mùa trước, hay đội bóng vung tiền tỷ mua quân như Thanh Hóa mùa này mà lết bết, khổ sở.
Câu trả lời đơn giản: HN.T&T vô địch theo kiểu T&T và rất… kỳ tích.
Nhà tân vô địch trình làng rất nhiều cầu thủ trẻ do chính họ đào tạo. Ảnh: Hải Thịnh |
Ghét hay nể?
Có một chuyện đang tồn tại ở V-League: HN.T&T đang trở thành một trong những đội bóng bị ghét nhất nhì V-League. SLNA thì ganh tỵ, vì đội bóng Thủ đô dần lấn át “tượng đài” V-League về thành tích lẫn khả năng đào tạo trẻ. Hải Phòng ấm ức, vì cái bóng của HN.T&T quá lớn, luôn chọc gậy bánh xe khi đội bóng đất Cảng tiệm cận đến vinh quang. Thanh Hóa, Than Quảng Ninh hay phần còn lại V-League vừa “ghét” lại vừa nể.
Thứ mà HN.T&T tạo ra ở V-League bao năm qua là sự ổn định đến không tưởng. Nhưng ngẫm kỹ, chẳng phải tự nhiên mà đến. Mạnh tay chi tiền chưa hẳn, quan trọng là biết cách tiêu tiền. Mùa này, HN.T&T không sắm thêm nội binh nào cho đội hình mà ông Chu Đình Nghiêm sử dụng hết mùa. Thứ đến, họ cũng làm bài bản, lớp lang đầy đủ. Thử đặt ngược câu hỏi: Á quân Hải Phòng dèm pha với thành tích của HN.T&T, nhưng có bao nhiêu cầu thủ được chính đội bóng đất Cảng đào tạo? Càng so sánh, sự ấm ức lại càng lộ ra những điểm yếu chết người. Hải Phòng từ gần 1 thập kỷ qua đã không còn “lò” đào tạo trẻ cho ra hồn, trong khi HN.T&T vô địch mùa này đã gạt hái từ chính quả ngọt do họ đào tạo.
Đối thủ "ghét" HN.T&T nhưng cũng thầm nể phục vì thành tích 7 năm "không nhất thì nhì" |
V-League ví von HN.T&T kỳ dị và nhiều lúc, đội bóng Thủ đô bị… kỳ thị, mỉa mai khi khán đài không kín, bất chấp thành tích đều như vắt chanh. Đó có thể là khiếm khuyết còn lại của mảnh ghép HN.T&T, đòi họ cần thêm kiên nhẫn so với cái tuổi lên 10 của mình.
Bề ngoài HN.T&T có thể bị ỏng eo chê trách. Song đằng sau lời dèm pha, đôi khi cũng chất chứa sự sợ hãi và… vị nể của chính đối thủ.
Hải Hải