- Thành công của các đội tuyển bóng đá trẻ, gần nhất là U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018 đã khiến cho cuộc đua vào ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 8 nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Chiếc ghế ấy bỏng rát hay... rất "thơm"?

Bỗng nhiên đắt giá

Đại hội VFF nhiệm kỳ 8 đã phải lùi thời gian tổ chức dự kiến sang tháng 4 để hoàn tất cơ cấu nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Vị trí nóng bỏng nhất là tìm người kế nhiệm chiếc ghế Chủ tịch do ông Lê Hùng Dũng để lại sau khi cựu ông chủ nhà băng này chắc chắn rút lui.

{keywords}
Ghế "minh chủ" bóng đá Việt Nam chưa bao giờ hạ nhiệt

Hiện tại, chưa gương mặt nào thực sự vượt trội lên trên trong số một loạt ứng viên được các thành viên VFF đề cử. Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn đang nhận nhiều tín nhiệm nhất từ các CLB, nhưng ông Tuấn sẽ phải đối diện với sự đua tranh rất quyết liệt từ những ứng viên khác. Có thể kể tới Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT 2 (TP Hồ Chí Minh) Lê Quý Phượng hay nguyên Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Công Khế.

Thực tế thì chiếc ghế Chủ tịch VFF chưa bao giờ hết nóng, cho dù bóng đá Việt Nam vẫn có lúc thăng, lúc trầm. Bóng đá là môn thể thao được đông đảo người hâm mộ Việt Nam yêu mến, quan tâm. Chuyện công chúng “soi” minh chủ của làng bóng là rất dễ hiểu.

Nhưng diễn biến nóng bỏng trước đại hội 8 hiện nay vẫn là một sự xoay chuyển khá bất ngờ nếu so với gian đoạn liền kề trước đó khi bóng đá Việt Nam phải chịu liên tiếp những thất bại, từ AFF Cup đến SEA Games. Những người giỏi nhất cũng phải e ngại ngồi vào vị trí mà bất kỳ lúc nào cũng có thể bị hứng đao búa chỉ trích từ phía dư luận. Đương kim Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã có một cách ví von rất sinh động, chiếc ghế ông ngồi là “quyền rơm, vạ đá”. Hoặc chuyện bầu Đức nhất quyết cự tuyệt, từ chối ứng cử vào ghế Chủ tịch VFF, dù được tiến cử với tín nhiệm cao

{keywords}
Nhiều người ham thay thế vị trí của ông Lê Hùng Dũng, nhưng bầu Đức thì cự tuyệt, từ chối mọi người đề nghị ứng cử làm Chủ tịch VFF

Thành công của các đội tuyển trẻ, gần nhất là vị trí Á quân giải U23 châu Á của U23 Việt Nam, có lẽ là một trong những yếu tố tác động khiến vị trí Chủ tịch VFF trở nên hấp dẫn hơn. Người ta đã nhìn ra từ bóng đá nhiều lợi ích có thể thu lại, thay vì chỉ toàn những sức ép, chỉ trích và những chuyện không mấy hay ho. Không phải ngẫu nhiên, hậu trường làng bóng đã xuất hiện nhiều dư luận về những chiêu trò đánh ứng viên này, hạ ứng viên kia trước thềm đại hội.

Không bản lĩnh, đừng lên ghế

Với những triển vọng bóng đá Việt Nam đang hướng tới, rõ ràng vị trí Chủ tịch VFF phải là người hội đủ cả tâm và tài, đủ để thuyết phục số đông công chúng và người trong giới. Nếu chỉ nhìn vào thành tích gần đây của bóng đá trẻ, có thể dễ dàng cho rằng chiếc ghế Chủ tịch VFF trong tương lai sẽ vô cùng êm ả.

Thực ra thì không phải vậy.

Những người tỉnh táo đã kịp thấy rằng tuần trăng mật của bóng đá Việt Nam sẽ chỉ kéo dài tới Asiad 2018. Hoặc nếu thời gian ấy lâu hơn là AFF Cup diễn ra cuối năm nay, nơi các đội tuyển Việt Nam phải đối diện với cuộc đua rất khốc liệt từ các đối thủ trong và ngoài khu vực, đặc biệt AFF Cup.

{keywords}
"Tuần trăng mật" U23 Việt Nam không kéo dài, làm Chủ tịch VFF không chỉ có màu hồng

Giải vô địch Đông Nam Á có thể không gồm những đối thủ tiếng tăm như VCK U23 châu Á, nhưng Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, Singapore chưa bao giờ là những đối thủ dễ chịu với tuyển Việt Nam. Một thất bại ở AFF Cup có thể khiến VFF tiếp tục chìm trong chỉ trích của công chúng, như thực tế bao năm qua.

Dù thấp hơn cấp độ châu lục, nhưng AFF Cup lại có tính cạnh tranh rất cao, các đối thủ đều rất hiểu Việt Nam sau nhiều năm đua tranh. HLV Park Hang Seo sẽ khó giữ được yếu tố bất ngờ, một trong những yếu tố giúp U23 Việt Nam đứng vững trước những đối thủ mạnh ở châu lục.

Chỉ ra như vậy để thấy, lá phiếu của các thành viên VFF ở kỳ đại hội tới đang có vai trò rất quan trọng đối với việc tìm ra được một “minh chủ” xứng tầm cho bóng đá Việt Nam. Con đường phía trước có thể mang màu hồng, nhưng chắc chắn luôn rất nhiều chông gai.

Hành trình lịch sử của U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2018:

Hoàng Mận