- Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Hà Quang Dự đánh giá bộ máy nhân sự VFF khoá VII không mạnh so với những khoá trước, và đòi hỏi cần tìm ra đầu tàu mạnh, đủ uy tín và quy tụ được nhân tài.
Vai trò quản lý của Nhà nước với VFF vô cùng quan trọng
Ông từng là người có nhiều năm trực tiếp quản lý VFF. Ông đánh giá thế nào về vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước với đơn vị này ở những nhiệm kỳ đầu tiên?
Bắt đầu từ khoá 3 VFF có sự xã hội hoá mạnh, bộ máy nhân sự tập hợp nhiều người tài giỏi nhưng chưa đoàn kết. Các chuyên gia bóng đá rất tài năng nhưng tính cách mỗi người một khác nên chưa phát huy được hết.
Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự |
VFF ngày đó được giao quyền chủ động, nhưng cơ quan quản lý nhà nước là Ủy ban TDTT luôn hỗ trợ tối đa, tháng nào cũng có cuộc giao ban, tất cả các vấn đề lớn đều trao đổi với bộ trưởng. Tôi không can thiệp, nhưng có sự góp ý, từ các HLV, trọng tài, đến lãnh đạo VFF.
Vì thế sự thống nhất cơ quan quản lý và VFF luôn rất cao. Chúng tôi giao quyền chủ động cho VFF, nhưng không khoán trắng. Còn các đội bóng hầu hết của các tỉnh, chứ các doanh nghiệp chư có sự can thiệp sâu.
Bóng đá Việt Nam thời kỳ đầu có dấu ấn rất lớn từ sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước như ông vừa nói, nhưng điều đó có đi ngược lại với những quy định của FIFA khi chính trị không được can thiệp vào bóng đá?
FIFA phạt nhưng họ cũng phải dựa trên cơ chế đặc thù của mỗi quốc gia. Đích thân tôi khi còn làm Bộ trưởng từng trao đổi thẳng với Tổng thư ký AFC và Chủ tịch FIFA về vấn đề này. Người đứng đầu AFC và FIFA nói rằng “Chúng tôi hiểu được cơ chế chính trị của Việt Nam, miễn sao nền bóng đá của các bạn phát triển là được”.
Bộ máy VFF khoá VII chưa đủ tầm vóc
Vai trò của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng hiện giờ quá mờ nhạt, dẫn đến việc VFF đang thiếu một minh chủ để chèo lái con thuyền, thưa ông?
Bộ máy VFF hiện tại chưa đủ tầm vóc. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là người mà tôi ủng hộ, sau khi thử nghiệm nhiều phương án. Lê Hùng Dũng từng là một doanh nhân khá, được đào tạo làm ngoại giao. Nhưng không ai biết trước sức khoẻ, khi được làm Chủ tịch VFF là bị bạo bệnh. Thứ 2 là những mặt khác về xã hội, kinh tế dẫn đến bị phân tâm.
Chủ tịch Lê Hùng Dũng chưa làm được gì nhiều ở nhiệm kỳ của mình |
Anh Dũng với hy vọng đưa phương pháp quản trị doanh nghiệp vào bóng đá nhưng không làm được, nên giao hết việc cho Phó chủ tịch. Sự vắng mặt của Lê Hùng Dũng khiến Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn phải làm quá nhiều việc. Anh Tuấn có kiến thức nhưng chưa dày dặn với thực tiễn.
Trước đây các lãnh đạo VFF hiểu chân tơ kẽ tóc về bóng đá nên xử lý nhanh. Trước chúng ta có những cán bộ như anh Hồ Đức Việt, Mai Liêm Trực… có phương pháp làm việc rất nghiêm túc, chặt chẽ. Đến thời anh Nguyễn Trọng Hỷ cũng tương đối, nhưng giờ thì ít người được như vậy.
Và hệ quả của việc thiếu minh chủ cho bóng đá Việt Nam ra sao, thưa ông?
Rất nhiều. Việc xã hội hoá bóng đá cũng đã dẫn đến nhiều mặt trái, đó là sự quản lý, lợi ích của các đội, nhóm đội. VFF chưa đủ sức giải vây. Tôi nói đơn cử như tiêu cực ở V-League, hay thậm chí là vị trí trưởng đoàn ở đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games vừa qua chúng ta cũng thiếu người đủ tầm để có sự can thiệp với HLV, dẫn đến thất bại nặng nề. Qua đây tôi cũng phản đối chuyện VFF đổ lỗi thất bại cho Hữu Thắng.
Trong khi đó, cơ quan quản lý cấp Bộ xa vời, còn Tổng cục TDTT thì không quyết đoán, bộ môn bóng đá thì phai nhạt, không có người kinh nghiệm.
Những thành tích của bóng đá Việt Nam thời gian ở đội tuyển trẻ dường như đã cứu thua cho VFF ở nhiệm kỳ rồi?
Chúng ta có thành tích ở các độ tuổi U, bóng đá nữ 5 lần vô địch SEA Games hay futsal vào Wold Cup, nhưng tôi xin nhấn mạnh đại diện cho bóng đá Việt Nam phải là ĐTQG nam và nữ. Nữ có rồi nhưng nam duy nhất một lần vô địch AFF Cup 2008. Bóng đá nam luôn thua oan ức ở các giải quan trọng. VFF vừa rồi kiểm điểm chưa quyết liệt khi thua ngay ở vòng bảng SEA Games. Vì sao đặt ra mục tiêu như thế lại không đạt được, lỗi từ đâu.
Phải chọn người có tầm làm Chủ tịch
Hướng tới khoá mới của VFF, chúng ta phải có những thay đổi gì để nâng tầm ĐTQG, thư ông?
Chỉ còn một con đường là cải tổ. Chúng ta buộc phải thay đổi để đáp ứng thực tiễn. Chẳng hạn không ai để Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi ngồi quá lâu như vậy, từ khoá 3 tới giờ. Tôi đề nghị bộ trưởng cải tổ toàn diện bộ máy VFF, đặc biệt là vị trí Chủ tịch.
Hình ảnh của bóng đá Việt Nam phải là ĐTQG |
Tiêu chí nào cần thiết với Chủ tịch VFF, thưa ông?
Chủ tịch VFF phải là người có khả năng quản lý thực sự, từng trải trong ngành thể thao, còn ngành khác phải ở cỡ ít nhất Thứ trưởng. Chủ tịch VFF phải có uy tín chính trị, yêu bóng đá, kéo các nhà chuyên môn thành lập hội đồng cố vấn hỗ trợ thường xuyên, hỗ trợ các giải chứ không chỉ là chiến lược. Dù đã giao cho VPF nhưng nếu không hỗ trợ từ các chuyên gia sẽ rất khó.
Chủ tịch VFF cũng phải có khả năng quy tụ, tổ chức và quan trọng là đưa một số nhân sự trẻ tài năng như Huỳnh Đức, Hữu Thắng… Đội ngũ lãnh đạo VFF mới cũng phải thoát ra khỏi sự ảnh hưởng tiêu cực trong lợi ích nhóm, tác động tiêu cực từ các doanh nhân.
Sau khi thay đổi bộ máy nhân sự, việc tiếp theo của bóng đá Việt Nam sẽ là như thế nào, thưa ông?
Bóng đá Việt Nam cần có GĐKT xuyên suốt, xây dựng lối đá bản sắc và phù hợp, chứ không ứng phó như bây giờ. Tất nhiên còn quan tâm những vấn đề khác, như bóng đá học đường, dinh dưỡng…
Ông chờ đợi gì ở Đại hội VFF nhiệm kỳ mới, và có tin tưởng bóng đá Việt Nam sẽ phát triển trong tương lai?
Đại hội tới không phải bàn về tương lai bóng đá Việt Nam như thế nào nữa, mà ai làm, phải xứng tầm chỉ huy toàn bộ cuộc chơi.
Xin cảm ơn ông!
Trọng Đại (thực hiện)