- Thành công vang dội ở VCK U23 châu Á của U23 Việt Nam sẽ tạo nên hiệu ứng lớn với V-League, sẽ khởi tranh vào đầu tháng 3 tới. Tuy nhiên, với một số cầu thủ, việc gắn mác U23 cũng đang khiến họ gặp nhiều áp lực khi về chơi cho CLB.

Video hành trình kỳ diệu của U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2018:

V-League đá giờ muộn phục vụ khán giả

So với lịch thi đấu mùa giải 2017, V-League 2018 đã được điều chỉnh giờ thi đấu khá muộn. Các trận đấu sớm nhất diễn ra vào lúc 17h, trận muộn nhất vào lúc 19h.

Điều dễ nhận thấy là hầu hết các trận có đội bóng sở hữu nhiều cầu thủ U23 Việt Nam nhất như Hà Nội, HAGL, SLNA, FLC Thanh Hóa…đều được BTC giải xếp lịch thi đấu vào giờ muộn, tức là trận đấu kết thúc cũng gần 21h.

Việc BTC giải xếp lịch thi đấu muộn như vậy là hoàn toàn có chủ đích. Thành công của U23 Việt Nam chắc chắn sẽ tạo nên hiệu ứng, lôi kéo khán giả đến sân. Thậm chí, những trận đấu có HAGL, Hà Nội được dự báo có khả năng sẽ “vỡ sân”, bởi hai đội bóng này sở hữu nhiều ngôi sao của U23 Việt Nam như Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Thanh…

{keywords}
V-League 2018 sẽ hấp dẫn hơn nhờ hiệu ứng U23

Chuyện vỡ sân ở V-League rất hiếm, nhưng đã từng xảy ra, cũng với chính những cầu thủ trên. Trong quá khứ, khi lứa U19 Việt Nam (nòng cốt là cầu thủ HAGL) trình làng ở V-League, đã tạo nên cơn sốt mỗi khi ra sân.

Lần này, U23 Việt Nam thậm chí còn được quan tâm hơn rất nhiều, và BTC giải cũng đã biết cách tranh thủ “ăn theo”.

Tiền bán vé thu được cao hơn là điều mà những nhà tổ chức giải mong muốn, nhưng trên hết, việc các trận đấu ở V-League có đông khán giả, sẽ tạo nên cú hích về mặt hình ảnh, bản quyền truyền hình, quảng cáo… Đó mới là điều mà BTC giải chờ đợi.

Tất nhiên, V-League vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa thể giải quyết, và nếu những hình ảnh xấu xí về bạo lực sân cỏ, những tiếng còi méo, tiêu cực… vẫn diễn ra, thì sức hút của U23 Việt Nam cũng khó có thể kéo dài.

Áp lực với thương hiệu U23 Việt Nam

Chia sẻ với chúng tôi trước trận tranh Siêu cúp – cúp Thaco 2017, tiền vệ Văn Đức của SLNA thừa nhận anh đang gặp đôi chút áp lực khi đang được kỳ vọng rất lớn ở CLB. Nếu như ở U23 Việt Nam các cầu thủ cùng lứa với nhau, trình độ khá đồng đều, thì ở CLB có nhiều anh lớn, nhiều ngoại binh, đồng nghĩa với việc nếu không thể hiện được tài năng, có thể ngồi dự bị dài.

{keywords}
Văn Đức và Xuân Mạnh sẽ luôn là tâm điểm ở mùa giải năm nay ở SLNA. Ảnh S.N

Một trường hợp khác là Xuân Trường cũng từng rơi vào cảnh tương tự khi còn thi đấu ở Hàn Quốc. Dù chơi rất hay khi về ĐTQG và U23 Việt Nam, nhưng tiền vệ người Tuyên Quang gần như phải ngồi dự bị trong suốt 2 năm thi đấu ở nước ngoài.

Tất nhiên khi về V-League, vị trí của Xuân Trường là bất khả xâm phạm, nhưng anh cũng phải luôn nỗ lực để khẳng định thương hiệu của mình.

Nhìn chung, hầu hết các cầu thủ U23 Việt Nam khi về CLB đều có cơ hội đá chính. Mùa giải trước, Văn Đại là tuyển thủ U23 chơi ít nhất tại V-League, với 11 trận ra sân, trong khi Thành Chung (13 trận), Đoàn Văn Hậu (11 trận). Những cầu thủ như Công Phượng, Văn Thanh, Duy Mạnh, Quang Hải… đã trở thành trụ cột ở đội bóng.

{keywords}
Sự nổi tiếng là con dao hai lưỡi với các cầu thủ trẻ. Ảnh S.N

Lo lắng nhất trong số các cầu thủ U23 Việt Nam là 3 thủ môn Tiến Dũng, Văn Hoàng, Ngọc Tuấn. Tiến Dũng là người hùng của U23 Việt Nam, nhưng cũng chỉ được xếp thứ 3 ở FLC Thanh Hóa. Mới đây trong trận ra quân ở AFC Cup, Tiến Dũng đã được bắt chính, nhưng V-League thì chưa chắc, bởi đây là sân chơi các đội bóng thường ưu tiên cho người có kinh nghiệm.

Các cầu thủ U23 Việt Nam chịu áp lực phải thể hiện mình, trong khi nhiều CLB cũng phải rất đắn đo trong quyết định có dùng cầu thủ U23 không, nếu họ không đảm bảo được phong độ.

Một HLV thừa nhận rằng nếu không dùng cầu thủ U23 trong những trận đấu tới, sẽ khó ăn khó nói với lãnh đạo đội bóng cũng như nhà tài trợ. HLV này chỉ hy vọng rằng cầu thủ U23 khi về CLB sẽ chơi tốt như trên tuyển.

Song Ngư