Năm hết Tết đến, những người đàn ông quanh năm bận bịu trong công sở, việc gia đình lại có dịp ngồi lại với nhau. Chủ đề trên bàn tiệc ngoài chính trị, người đẹp thì rôm rả nhất có lẽ là về rượu hoặc bia.

Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước, “văn hóa trên bàn nhậu” ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cũng có những thay đổi khá lạ. Cái thời hùng hục uống bia, rượu như “trâu uống nước ao bèo” mà chả cần biết mùi, vị hay cái xuất xứ nguồn gốc của cái thứ nốc vào người đã qua rồi. Bây giờ khi người Hà thành “nâng lên đặt xuống” bất cứ thứ gì từ quốc lủi đến rượu tây rượu tàu, từ bia hơi vỉa hè đến bia Đức, bia Tiệp họ đều đọc vanh vách từ quy cách nấu bia, cất rượu đến bảo quản ở nhiệt độ nào để đến lúc đưa lên miệng các “thượng đế” là phải vừa ngon, vừa an toàn.

{keywords}

Còn nhớ cách đây vài năm khi Nhạc sĩ Phú Quang đến một quán bia cạnh Hồ Tây. Bên cạnh câu chuyện về thưởng thức âm nhạc, người đàn ông lãng tử nặng lòng với Hà Nội đã từng thốt lên rằng: “Chẳng có dân tộc nào lại sành hưởng thụ như dân tộc ta. Cứ nhìn dân ta từ nông thôn đến thành thị, từ vùng núi đến đồng bằng cứ có cái gì ngon, bổ, rẻ là… đua nhau ăn, uống cho bằng được. Đến lúc có vấn đề về an toàn thực phẩm thì y như rằng, nhà nhà xôn xao, nhiều người còn cực đoan như tuyên bố cạch hết từ sữa, đường, gạo…”

{keywords}

Còn trong lần ra mắt sự hồi sinh của bia Trúc Bạch vào năm 2010 thì nhà sử học Dương Trung Quốc cũng kể câu chuyện về uống bia của những năm trước đổi mới. Cái thời mua được 1 cốc bia hơi là phải kèm với 1 gói lạc cuốn như chiếc khèn giấy. Hôm nào được nhắm với miếng thịt lợn xá xíu là sang lắm.

Rồi ông kể về lịch sử cái tên Trúc Bạch. Trước kia là một phần Hồ Tây ở vào góc Đông Nam. Khu vực này vì sóng lặng hơn nên cá hồ Tây thường tụ về đây. Dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đắp một con đê nhỏ để ngăn góc này lại, đánh cá cho dễ hơn, và sau là nuôi cá. Sau đó chúa Trịnh cho đắp con đê rộng ra, và gọi là đê Cố Ngự (nghĩa là giữ vững). Sau này đường Cố Ngự bị đọc chệch thành Cổ Ngư, và là đường Thanh Niên ngày nay.

Khi mới bị ngăn ra, hồ chưa có tên riêng, vẫn chỉ là một góc của hồ Tây. Gần hồ có làng Trúc Yên, trồng nhiều trúc, cũng có tên là Trúc Lâm. Vào thế kỉ 18, Chúa Trịnh Giang cho xây một cung điện để nghỉ mát cạnh hồ và cũng gọi là Trúc Lâm. Sau đó Trúc Lâm trở thành nơi giam giữ các cung nữ phạm tội, họ buộc phải tự dệt lụa để nuôi sống bản thân. Lụa của họ rất đẹp và trở nên nổi tiếng khắp vùng. Lụa đẹp, bóng bẩy gọi là lụa trúc (chữ Hán là Trúc Bạch). Từ đó xuất hiện một làng chuyên dệt lụa với tên là làng Trúc, và hồ cũng được gọi là hồ Trúc Bạch. Câu chuyện về cái tên nhưng cũng dễ làm người ta liên tưởng đến những giá trị từ ngàn xưa và khi rót bia cũng dễ cảm thấy như một dòng lụa thượng hạng óng ả chảy xuống cốc.

Riêng về hương vị của loại bia này thì nghe nói được tạo thành bởi 4 yếu tố độc đáo. Đầu tiên phải kể đến là hai nguyên liệu chính là lúa mạch và hoa bia Saaz đều đều thuộc loại thượng hạng nhập khẩu từ Cộng hòa Czech và Pháp. Hai phần còn lại là men bia TBY và nguồn nước ngầm có chứa khoáng chất thì chỉ có ở Habeco do các kỹ sư Việt Nam và chuyên gia nấu bia Tiệp Khắc nghiên cứu hàng chục năm để tạo ra một loại bia độc đáo, có vị khác biệt với các loại bia trên thế giới.

Âu thì mỗi sản phẩm thành danh đều có những câu chuyện riêng của mình và cũng chẳng ai dám chắc có bao nhiêu phần trong đó là thực hay người đời thêm thắt vào. Ấy vậy nhưng có chuyện để tán, để trầm trồ trong ngày Xuân cũng đáng để trong lòng người có chút thi vị.

Doãn Phong