Chiều 15/11, Bộ Y tế đã có thông tin chính thức về đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó có những danh mục cắt giảm đến gần 80% thủ tục hành chính.
Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các thủ tục hành chính đề xuất Chính phủ mà Bộ Y tế bãi bỏ gồm điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo các quy định tại nghị định số 67/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016; công bố sản phẩm thực phẩm, kiểm tra nhà nước về thực phẩm; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm và xác nhận kiến thức về ATTP.
Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát biểu tại họp báo.
Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, Bộ sẽ giảm từ 54 điều kiện xuống còn 46 điều kiện; cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm giảm từ 57 điều kiện còn 48; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền từ 152 điều kiện còn 133 điều kiện.
Bên cạnh đó, nhiều điều kiện đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm không còn hiệu lực như: Không bị ngập nước, đọng nước; Kết cấu cơ sở kinh doanh phù hợp với tính chất, quy mô; xây dựng bằng vật liệu bảo đảm vệ sinh, an toàn; Có hệ thống sổ sách hoặc phần mềm quản lý thực phẩm trong suốt quá trình kinh doanh.
Liên quan đến quy định về công bố sản phẩm thực phẩm, so với nghị định số 38/2012, dự thảo nghị định mới đã lược bỏ bớt các thành phần hồ sơ như giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với sản phẩm nhập khẩu), giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với sản phẩm nhập khẩu), kế hoạch kiểm soát chất lượng, kế hoạch giám sát định kỳ, bản thông tin chi tiết về sản phẩm và mẫu sản phẩm. Thay vì giao Sở Y tế quản lý ATTP đối với các sản phẩm sản xuất trong nước của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn thì dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 38 cũng thực hiện phân cấp triệt để cho địa phương, bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu.
Đối với quy định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ cũng đề xuất đưa vào dự thảo nghị định sửa đổi nghị định số 38/2012/NĐ-CP cả lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để thống nhất quy trình kiểm tra nhà nước của 3 bộ.
Về phương thức kiểm tra sẽ duy trì phương thức: miễn kiểm tra (bổ sung các đối tượng được miễn kiểm tra); kiểm tra giảm (kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng một năm do cơ quan Hải quan lựa chọn ngẫu nhiên); kiểm tra thường (áp dụng đối với 100% hồ sơ đối với đối tượng thuộc diện kiểm tra thường, thời gian từ 6 ngày giờ giảm xuống còn 3 ngày) và kiểm tra chặt.
Cũng theo bà Nga thì trong đề xuất sẽ thực hiện miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các đối tượng như cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; sơ chế nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định; sản xuất bao bì, dụng cụ, vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; cơ sở đã được chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO 22000, cơ sở sản xuất GMP hoặc tương đương; nhà hàng, khách sạn; bếp ăn tập thể không có đăng ký kinh doanh cũng như thức ăn đường phố.
Bộ Y tế cũng sẽ cắt giảm 11/14 thủ tục cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo gồm: thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng (đối với cấp lại).
Nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực An toàn thực phẩm sẽ được cắt bỏ
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng cho biết, việc cắt giảm thủ tục hành chính chung được Bộ Y tế thực hiện từ năm 2010, ước tính tiết kiệm được khoảng 1.000 tỉ đồng/năm và hằng năm Bộ Y tế vẫn thường xuyên cập nhật đơn giản hóa các thủ tục. Riêng trong năm 2015, việc rà soát giảm thiểu các thủ tục về khám chữa bệnh ước tính đã tiết kiệm được 300 tỉ đồng.
Song song với việc sửa đổi và dự thảo thay thế Nghị định 38/2012, Bộ Y tế cho biết, Bộ cũng đang rà soát và đề xuất sửa đổi Nghị định 178 về xử phạt lĩnh vực ATTP theo hướng tăng mức xử phạt.
Lệ Thanh