Hiện Việt Nam đang liên kết lưới điện với Lào thông để nhập khẩu điện từ các nhà máy thuỷ điện Lào, bán điện cho Campuchia với công suất cao nhất 200 MW. Ngoài ra, Việt Nam còn bán điện cho 2 nước này ở cấp trung, hạ áp…

Nghiên cứu nhiều phương án liên kết lưới điện

Thời gian qua, EVN đã đẩy mạnh đàm phán với các nước trong khu vực, đặc biệt với Lào; tham mưu cho Chính phủ các nội dung liên quan đến liên kết trao đổi điện năng giữa các nước. Trên cơ sở đó, tháng 10/2016, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký Biên bản ghi nhớ về “Hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện”.

EVN đã cùng các bộ, ngành liên quan tiến hành đàm phán, trao đổi với các cơ quan, đối tác phía Lào và Campuchia về phương thức liên kết lưới điện. EVN đã thành lập Tổ công tác do Lãnh đạo Tập đoàn làm tổ trưởng, làm việc với các công ty điện lực và chủ đầu tư các dự án nguồn điện tại Lào và Campuchia, nghiên cứu tính toán nhu cầu, các giải pháp kỹ thuật và thương mại trong liên kết lưới điện, báo cáo Bộ Công Thương, trình Chính phủ.

EVN đã tổ chức nhiều buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực Lào (EDL) về khả năng và các phương án nhập khẩu điện từ Lào. Đồng thời, EVN cũng đã thuê tư vấn chuyên ngành nghiên cứu liên kết lưới điện và mua điện từ Lào. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư đang đề xuất xây dựng nhà máy điện tại Lào, sản xuất và bán điện trực tiếp sang Việt Nam, cũng như xây dựng đường dây truyền tải bên đất Lào để nhập khẩu điện từ Vân Nam (Trung Quốc) bán cho Việt Nam (khu vực phía Nam). Hiện EVN đang tiến hành đàm phán với chủ đầu tư các dự án này.

Đối với Campuchia, EVN đã làm việc với Tổng công ty Điện lực Campuchia (EDC). Theo đó, EVN hỗ trợ EDC thực hiện các giải pháp kỹ thuật, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện, vì hiện tại hệ thống điện Campuchia chưa đủ khả năng vận hành độc lập.

{keywords} 

Trong ngắn hạn, tiềm năng xuất khẩu điện từ Campuchia sang Việt Nam là không lớn; nên EVN hướng tới các kế hoạch dài hạn hơn. Thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục trao đổi, thảo luận về khả năng nhập khẩu điện từ Campuchia.

Đảm bảo an toàn kỹ thuật và hài hòa lợi ích thương mại

Song, việc liên kết lưới điện giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và rộng hơn là liên kết lưới điện giữa các nước Đông Nam Á và tiểu vùng sông Mê Kông đã và sẽ gặp các khó khăn nhất định.

Về kỹ thuật, cần phải đảm bảo an toàn vận hành cho mỗi nước và an toàn chung cho lưới điện liên kết. Mỗi nước có các tiêu chuẩn, quy định vận hành riêng. Khi kết nối lưới điện sẽ tạo thành hệ thống lớn; đặt ra nhiều khó khăn và thách thức trong đảm bảo tính ổn định của toàn bộ hệ thống. Ngoài ra, các yếu tố về thương mại cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

Ông Ngô Sơn Hải cho rằng: Với sự nỗ lực của các bên, đồng thời với sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ, nhất là trong lĩnh vực điện năng, một số vướng mắc trong công tác điều độ vận hành đã được giải quyết.

Thời gian tới, các bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cụ thể như tăng cường tham vấn, trao đổi các vấn đề kỹ thuật, thương mại; xây dựng các hệ thống quy trình chuẩn về phối hợp vận hành giữa các nước; duy trì hoạt động thường xuyên tổ công tác nghiên cứu liên kết lưới điện…

Khi hợp tác với Lào và Campuchia trong lĩnh vực điện năng, ngành Điện Việt Nam kỳ vọng sẽ có được nhiều lợi ích.

Ông Ngô Sơn Hải chia sẻ: Những lợi ích mang lại cho Việt Nam cũng như phía đối tác là rất lớn. Đó là tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác cùng phát triển giữa các nước.

Đối với ngành Điện Việt Nam, trong bối cảnh tạm dừng triển khai dự án Điện hạt nhân, một số dự án nguồn điện lớn có khả năng chậm tiến độ, việc liên kết lưới điện với các nước láng giềng sẽ giúp bổ sung nguồn năng lượng cho đất nước, đồng thời đa dạng hóa các nguồn điện, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn cung cấp điện của hệ thống, đặc biệt là khu vực miền Nam.

Trong thời gian tới, khi trữ lượng các nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than, khí hóa lỏng… Việc liên kết lưới điện với các nước trong khu vực sẽ giúp ngành Điện giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn nhiên liệu sơ cấp. Một lợi ích khác không thể không nhắc đến, đó là lợi ích về kinh tế và tối ưu hóa hệ thống điện trong việc liên kết, trao đổi điện năng với các nước trong khu vực.

Ngoài Lào và Campuchia, hiện tại EVN đang mua điện từ Trung Quốc qua các đường dây 220 kV tại Lào Cai và Hà Giang. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN đang nghiên cứu tăng khả năng nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua các đường dây 220 kV hiện có, cũng như xem xét khả năng liên kết ở cấp điện áp 500 kV trong giai đoạn sau năm 2020.

Theo xu thế chung, cùng với sự phát triển ngành Điện các nước khu vực, việc liên kết lưới điện không giới hạn chỉ với các nước láng giềng mà có thể nghiên cứu mở rộng đến các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông như Thái Lan, Myanmar hay Malaysia nếu hội đủ các điều kiện cho phép.

H.Nam