- Ban Kinh tế Trung ương sẽ thẩm định các đề án kinh tế - xã hội quan trọng trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.


Theo quyết định 161 vừa được Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh ký, Ban Kinh tế TƯ được xác định chức năng là cơ quan tham mưu của Ban chấp hành TƯ mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, các chính sách lớn thuộc lĩnh vực KT-XH.

Thêm một khâu thẩm định

Nhiệm vụ của Ban được phân thành năm nhóm:

Thứ nhất, chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định về lĩnh vực KT-XH của Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách lớn về KT-XH, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, về các vấn đề xã hội gắn với kinh tế theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tham gia ý kiến với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc TƯ và các cơ quan liên quan về các đề án, dự án KT-XH lớn.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (trái) được phân công làm Trưởng Ban Kinh tế TƯ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thứ hai, thẩm định các đề án về KT-XH trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Với nhiệm vụ này, các đề án quan trọng của Ban Cán sự đảng CP, Đảng đoàn QH trước đây trình thẳng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, giờ sẽ phải qua khâu thẩm định của Ban Kinh tế TƯ.

Thứ ba, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tỉnh/thành ủy, các ban đảng, ban cán sự, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách về KT-XH, và chủ trì hoặc tham gia sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Trung ương về KT-XH.

Đáng chú ý, trong nhóm nhiệm vụ này có nội dung rất thời sự là Ban sẽ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững.

Thứ tư, liên quan đến công tác cán bộ, Ban có thẩm quyền tham gia ý kiến trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, ở khối các cơ quan KT-XH theo phân công, phân cấp.

Ngoài ra, Ban Kinh tế TƯ sẽ thực hiện những công việc khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

Tham mưu KT-XH - quan trọng nhưng dễ chồng chéo

Cơ chế hiện tại, Ban Cán sự đảng CP, Đảng đoàn QH, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương cũng có chức năng nghiên cứu, đề xuất xây dựng đường lối, chính sách về KT-XH để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Các cơ cấu này cũng có thẩm quyền hướng dẫn, kiểm tra với các tỉnh/thành ủy. Vì vậy, để hạn chế sự chồng chéo, Quyết định 160 có riêng điều khoản về mối quan hệ công tác của Ban Kinh tế trung ương với các cơ cấu, tổ chức khác, là chỉ “phối hợp” trong việc tham mưu, đề xuất, thẩm định, và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. Nhưng kèm theo đó, trong hoạt động của mình, Ban có quyền yêu cầu các ban cán sự đảng bộ, ngành ở TƯ, các tỉnh/thành ủy và cơ quan, đơn vị, DNNN có liên quan trong khối KT-XH báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.

Với tính chất cơ quan tham mưu trong lĩnh vực rất rộng lớn là KT-XH, quyết định của Bộ Chính trị có thêm một điều khoản về chế độ làm việc của Ban Kinh tế TƯ. Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hoạt động của Ban. Đáng chú ý, Trưởng ban có quyền cử cán bộ dự cuộc họp của các tỉnh/thành ủy, các ban/ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, các cơ quan, tổ chức trực thuộc TƯ, và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt thuộc phạm vi được phân công về lĩnh vực KT-XH.

                 Ban lãnh đạo có chuyên gia kinh tế uy tín?

Ban Kinh tế TƯ gồm có trưởng ban, các phó trưởng ban gồm cả chuyên trách và kiêm nhiệm. Quy định như vậy là khác với cách trước đây, nêu rõ bốn phó trưởng ban chuyên trách là thứ trưởng một số bộ KT-XH. Do đó phó trưởng ban kiêm nhiệm có thể gồm cả chuyên gia kinh tế đầu ngành thuộc các viện nghiên cứu KT-XH lớn ở TƯ.

Đây là quan điểm được thống nhất cao trong quá trình xây dựng đề án tái lập Ban Kinh tế TƯ và cũng là điểm mới so với tổ chức, bộ máy Ban trước đây.

Nghĩa Nhân