Sáng 24/11/2012 Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII đã thông qua danh sách và thực hiện nghi thức tấn phong hàng giáo phẩm, gồm 332 Hòa thượng, 223 Ni trưởng và 474 Ni sư.

Đại hội đồng thời đón nhận huân chương Đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bằng tuyên dương công đức của Giáo hội; Tuyên đọc Dự thảo tu chỉnh Hiến chương để Đại hội góp ý và thông qua.

Dự thảo này nhấn mạnh: “Trong hơn hai ngàn năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc, Đạo Phật đã trở thành tôn giáo của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa ngày nay, Phật giáo Việt Nam luôn là lực lượng tin cậy và vững mạnh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng sinh, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ Dân tộc tổ quốc và nhân loại là tôn chỉ của GHPGVN.

Ông Huỳnh Đảm trao huân chương Đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch nước cho Đại đức Thích Đức Thiện. Ảnh: Phạm Hải
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã trao tặng và truy tặng 22 Huân chương đại đoàn kết dân tộc cho các bậc chư tôn, hòa thượng, ni trưởng, thượng tọa và ni sư. Bên cạnh đó, 10 tập thể và 12 cá nhân đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH. Hội đồng Trị sự GHPGVN cũng đã trao Bằng tuyên dương công đức, Bằng công đức cho 31 tập thể và 187 cá nhân trong Giáo hội.
10 tập thể, 12 cá nhân trong GHPGVN nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Phạm Hải

Chiều cùng ngày Đại hội thảo luận và nhất trí thông qua Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII (2012 - 2017) và chủ đề của Đại hội “ Kế thừa - Ổn định – Phát triển”. Đại hội nhất tâm suy tôn bổ sung 89 thành viên Hội đồng Chứng minh và Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh; tái suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đại hội đồng thời tái cung thỉnh Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh tiếp tục đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng 199 thành viên Hội đồng Trị sự, 61 Ủy viên Ban Thường trực và 65 Ủy viên dự khuyết Hội đồng Trị sự; thống nhất thông qua dự thảo tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 13 chương, 71 điều, giao Ban Thường trực Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ VII tiến hành các thủ tục trình Chính phủ phê duyệt và ban hành.

Trong diễn văn bế mạc Đại hội, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh nói: "Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại tiếp tục chuẩn bị một chặng đường mới cho việc khởi đầu thực hiện kế hoạch 5 năm sắp đến theo chương trình hoạt động Phật sự mà Đại hội thông qua. Tôi nghĩ rằng, tất cả thành viên của Giáo hội sẽ đem hết trí lực và tâm lực của mình để hoàn thành các Phật sự đã được Đại hội đề ra. Tôi tin tưởng với sự gia trì của Tam bảo, sự đồng tình của nhân dân, sự hỗ trợ chân tình của Đảng và Chính phủ, Chính quyền các cấp, sự nỗ lực tự thân của chư Tăng Ni, Phật tử sẽ giúp cho Giáo hội vững tiến, tiếp tục thu đạt những thành quả tốt đẹp".

Đợt tu chỉnh hiến chương nhiều nhất

Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người đã tham dự cả 7 kì đại hội, cho biết: Dự thảo tu chỉnh Hiến chương có sự thay đổi lớn nhất về nội dung trong Đại hội VII. Lần đầu tiên Hiến chương Phật giáo được tu chỉnh nhiều nhất khi tăng cả về số chương, số điều (từ hơn 50 điều lên 71 điều) và đặc biệt nữa là sự thay đổi trong nội dung các điều.

Chẳng hạn như quy định về số tuổi của người nhận trách nhiệm phục vụ. Hội đồng trị sự không mời người trên 80 tuổi, Hội đồng trị sự cấp tỉnh không mời người quá 70 tuổi. Hay việc quy định về thời gian phục vụ. Theo Hiến chương mới thì một người không nhận quá 2 nhiệm vụ và phục vụ không quá 3 nhiệm kì. “Đây là những đổi mới tích cực, tạo điều kiện cho người phục vụ tập trung phục vụ cho tốt, tới chừng nào đó được nghỉ thì có thể thư thả thực hiện các công việc khác”, Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ.
Huyền My