- Mục tiêu tinh giản đưa ra từ lâu nhưng thực tế biên chế không ngừng "lạm phát". Một đề án của Bộ Nội vụ liệu có giải quyết được vấn đề?

Nhiều bạn đọc băn khoăn về tính khả thi của đề án tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ khi hàng loạt vấn đề bất cập vẫn còn tồn tại. Bạn đọc Đinh Hoàng cho hay, mục tiêu tinh giản 15%, 20% đưa ra từ rất lâu nhưng thực tế biên chế vẫn không ngừng "lạm phát", số công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp về" vẫn chiếm tỉ lệ không hề nhỏ. "Một đề án của liệu Bộ Nội vụ có giải quyết được vấn đề, khi mà cái "sự tăng" lại chủ yếu là thành phần "con em cháu cha"?.

Độc giả Nguyễn Anh Hoàng làm phép tính: Ví dụ đang có 50 biên chế. Xác định vị trí làm việc, định biên là 45, phải giảm 5. Nhưng mọi nơi làm tinh giản là thiếu 5 năm thì cho về nghỉ hưu sau đó lại tuyển mới. Như thế biên chế "vẫn vậy".

Một công chức có tên Lê Quỳnh Anh cho hay: "Đơn vị tôi cứ nói giảm nhưng năm nào cũng có 10 người hoặc hơn về đơn vị. Người đáng giảm vì chuyên môn không đáp ứng được thì không giảm mà toàn cho người có tay nghề và trình độ nghỉ thôi vì họ đủ năm công tác là 25 năm. Đúng lúc chuyên môn chín nhất thì nghỉ. Trong khi đó, đội ngũ trẻ về không thể bù lấp được đội ngũ cũ. Đơn vị tôi mấy năm trời có 2 người nghỉ, một về hưu, một người về phục viên trong khi đội ngũ đến mới có đến hơn 30 người... Thật đáng buồn cho cách"tinh giản biên chế".

{keywords}
Thí sinh dự kỳ thi tuyển vào Bộ Nội vụ tháng 1/2013. Ảnh: Lê Anh Dũng

Việc chia tách đơn vị hành chính cũng là lý do khiến biên chế tăng. Đó là ý kiến của bạn đọc Bảo Quốc. Anh cho hay: "Hiện nay một số ngành không đủ biên chế để thực thi nhiệm vụ thì một số đơn vị chỉ toàn là cán bộ nhàn rỗi, ngồi không ăn lương, hậu quả này là từ việc cho phép chia tách đơn vị hành chính nhiều trong thời gian qua".

Bạn đọc ở địa chỉ ductoanby@... nêu ý kiến: "Nếu Bộ Nội vụ mà cử người về các cơ quan tuyến huyện vùng cao có lẽ còn phải thất vọng dài dài vì ở những khu vực này còn quá nhiều biên chế "thừa" yếu về chuyên môn, kém về phẩm chất đạo đức, quan hệ xã hội thì không dám toàn đẩy cho những người trẻ... và nhất là không muốn về hưu trước tuổi. Nếu muốn giảm biên chế thì các đối tượng này cần xem xét nhưng lại vướng bận một nghịch lý họ là thành phần con ông cháu cha".

Hiến kế cho Bộ Nội vụ

Đề xuất giải pháp, độc giả Hoàng Anh cho rằng, để "gạt" những người không đạt thì "rất khó". Bởi trong cơ quan nhà nước, có những người có năng lực, tâm huyết ít được trọng dụng có lẽ bởi nhiều lý do. Cách tốt nhất, theo độc giả, là phải kiểm soát lại đầu vào tuyển công chức vốn có vấn đề.

Cải cách thủ tục hành chính, một cửa, công chức, người dân

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thutuchanhchinh.vn)

Bạn Hoàng Hà thì cho rằng, nếu không có thang điểm đánh giá, mỗi viên chức không có bảng kế hoạch nhiệm vụ hàng năm thì không thể so sánh, đánh giá một cách công bằng. Hiện tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đều có hệ thống chỉ tiêu đánh giá nhân viên rất chặt chẽ. Ngay từ đầu năm, mỗi nhân viên đều phải lên kế hoạch cụ thể những công việc họ phải làm, mục tiêu đạt được. Công ty lại có một hệ thống chi tiết chấm điểm thành quả của mỗi nhân viên khi kết thúc một năm. Các nhân viên thực sự phải cạnh tranh với nhau. Do vậy người lao động thấy công bằng và biết rằng họ không thể lười hay dốt nát.

Độc giả Alan cho rằng, nếu còn duy trì cơ chế làm việc như hiện nay thì sẽ khó mà thực hiện được đề án tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ. Muốn đánh giá chính xác hiệu quả công việc của mỗi công chức, trước tiên phải xác định được công việc của các vị trí trong từng cơ quan, từng đơn vị, trả lương tương xứng theo vị trí việc làm chứ không theo bằng cấp hay các loại ngạch, bậc như hiện nay. Ngoài ra, các vị trí lãnh đạo từ phó, trưởng phòng trở lên phải tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch theo hình thức 5 năm/lần để phát huy tinh thần không ngừng nâng cao trình độ trong mỗi công chức.

Giảm được người thì lương cho cán bộ công chức sẽ tăng. Do đó, bạn đọc Phùng Tiến Quân nêu đề xuất để một số bộ phận, vị trí không nên thi công chức nữa mà nên ký hợp đồng lao động. Như vậy người cán bộ tự ý thức được trách nhiệm của mình, nếu làm không tốt sẽ bị sa thải hoặc không được ký hợp đồng tiếp, chứ không phải tình trạng hiện nay là đã vào công chức thì không bao giờ sợ bị sa thải.

Chốt ý kiến, một bạn đọc ở địa chỉ sky.12379@...cho rằng, dù khó đến mấy, động chạm đến mấy cũng nhất định phải tinh giản biên chế cán bộ, công chức nhà nước.

Linh Thư