- Dân nộp thuế cho ta ngồi đây. Bộ máy cồng kềnh thế này dân è cổ nuôi, làm việc không hiệu quả thì có lỗi với dân. Cái gì giờ cắt được thì mạnh dạn cắt - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhận định.
Làm không hiệu quả có lỗi với dân
Việc Chính phủ chính thức kiến nghị QH nâng mức bội chi ngân sách lên 5,3% và trần nợ công 65% trong năm tới làm nóng phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 24/10.
Nhìn rõ thực trạng thâm hụt ngân sách nên các ý kiến đưa ra phần lớn ủng hộ giải pháp cực chẳng đã phải nâng mức bội chi ngân sách và trần nợ công của Chính phủ.
Quan tâm lớn nhất tại phiên thảo luận, đó là còn có thể vét tiền từ đâu để đắp cho miếng bánh ngân sách phình to lên, mà phần lớn ý kiến đều tin rằng hoàn toàn vẫn còn nhiều chỗ để tính.
Vấn đề lớn nhất mỗi ĐBQH không ít lần nhấn mạnh là sự lãng phí, chưa cân đối trong những hạng mục chi tiêu công.
Không nói đâu xa, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phản ánh việc đi nước ngoài công cán bằng tiền ngân sách cho những hoạt động không quá khẩn cấp, hội họp chi tiêu in ấn văn bản tốn kém rất lớn trong khi thiết bị công nghệ đã phổ cập đến từng người. Ngay chính các ĐBQH cũng tốn kém những khoản chi cho việc giao lưu giữa các đoàn ĐBQH địa phương với nhau.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (trái). Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bà cũng thấy khó hiểu có những dự án xin đầu tư với nguồn vốn lên đến vài nghìn tỷ đồng từng bị chối, đưa ra khỏi danh mục đầu tư khẩn thiết, sau cùng lại chen được vào trong danh sách phê duyệt.
Hay những chương trình mục tiêu “rải mành mành”, trùng lặp ở các địa phương gây tốn kém, lãng phí ngân sách, xin duyệt chi năm sau để có tiền chi cho mục tiêu năm trước.
Phó Chủ tịch nước đề xuất cắt giảm chi tiêu công mạnh cho những khoản đầu tư, chi không khẩn thiết.
“Khó khăn trong năm 2013 và 2014 còn nhiều. Bội chi là đi vay, trái phiếu là hình thức vay của dân. Theo báo cáo của Chính phủ, bội chi tăng để trả nợ và tiếp tục đầu tư. Như thế nợ chồng nợ, lãi mẹ để lãi con, nếu không trả đúng hạn thì không được. Chi tiêu hành chính trong đầu tư công là động đến tiền thuế của dân. Dân nộp thuế cho ta ngồi đây. Bộ máy cồng kềnh thế này dân è cổ nuôi, làm việc không hiệu quả thì có lỗi với dân. Cái gì giờ cắt được thì mạnh dạn cắt” - bà đề nghị.
ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng, ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều công trình đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ dàn trải trong khi đó ngân sách hiện đang rất bí về nguồn đầu vào.
“Có những doanh nghiệp ma qua xuất nhập khẩu trong một ngày đã quay vòng hơn 25 tỉ tiền thoái thuế. Cần thắt chặt mọi chi tiêu kể cả về hành chính lẫn đầu tư. Nếu dự án đã duyệt rồi mà không đủ nguồn lực, không cần thiết cũng phải cắt” - ông phát biểu.
Cơ cấu lại khoản chi
Phân tích thực trạng, ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cho hay, doanh nghiệp khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp kéo dài đã gây nhiều hệ lụy, trong đó mất cân đối ngân sách chủ yếu là do doanh nghiệp không nộp được thuế như kỳ vọng.
“Cân đối ngân sách đứng trước thách thức hết sức lớn, dẫn đến hệ lụy không phải của năm nay mà cả các năm sau. Dẫn đến khó trong bố trí vốn đề đầu tư phát triển, không có vốn để đầu tư. Nợ công và nợ Chính phủ tiệm cần đến mức trần”- ông phân tích.
Trong khi chi tiêu ngân sách khó khăn, không thể trông đợi tăng thu; ĐB Ngoạn cho rằng, phải cơ cấu lại các khoản chi. Việc phát hành trái phiếu là cần thiết nhưng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt.
Ông cho rằng, phải xây dựng một kế hoạch ngân sách trung hạn, ngân sách chi tiết theo năm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, gian lận thuế của doanh nghiệp có nguyên nhân do quản lý nhà nước, của các ngành chức năng.
Trong khi đó, ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng, thu ngân sách giảm do hoạt động sản xuất kinh doanh, miễn thuế giãn thuế nhưng Chính phủ chưa nói đến giải pháp chống thất thu thuế của tài chính đến đâu? ĐB cũng phản ánh ở địa phương có thực trạng chưa thu đúng, thu đủ thuế và cần bổ sung.
X.Linh - T.Lâm - C.Quyên