Trong điều kiện một nước nhỏ chống lại quân xâm lược của nước lớn, qua kinh nghiệm thành bại của nhiều cuộc kháng chiến, dân tộc Việt Nam đã sớm xác lập tư tưởng quân sự "dĩ đoạn binh chế trường trận" (Trần Quốc Tuấn), "lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh" (Nguyễn Trãi), dựa vào sức mạnh đoàn kết toàn dân thực hiện chiến tranh nhân dân.

Trận quyết chiến nằm trong tính toán của cả hai phía

Trong lịch sử Việt Nam, trong tất cả những trận đánh lớn, dù đánh quân địch trên đường vận động hay trong doanh trại phòng ngự, thời gian chiến đấu có thể ngắn hay dài, quân dân ta luôn giành quyền chủ động chọn không gian và thời gian quyết chiến, bí mật bài binh bố trận, quân địch hoàn toàn bất ngờ và bị động.

Nhưng trận Điên Biên Phủ là trận quyết chiến được hình thành dần trong tính toán của cả hai phía tham chiến trong đông- xuân 1953-1954.

{keywords}

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng của nhân dân, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam


Kế hoạch mở chiến dịch Điên Biên Phủ đã chính thức được Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị phê duyệt.

Hạ tuần tháng 12, Bộ chính trị chỉ định Đảng ủy mặt trận và thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch.

Như thế là Việt Nam đã quyết chọn Điên Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược trong đông-xuân 1953-1954. Chiến dịch được triển khai trong sự phối hợp chặt chẽ với các hướng tác chiến khác trên chiến trường toàn quốc và cả chiến trường Lào, Campuchia.

Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt địch, giải phóng toàn bộ Tây Bắc, chiếm lĩnh một địa bàn chiến lược quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà trên cả chiến trường Đông Dương.

Điện Biên Phủ nằm trên cánh đồng rộng lớn nhất ở Tây Bắc, tiếp giáp với Thượng Lào có đường thông với Trung, Hạ Lào ở phía Nam, Thái Lan, Miến Điện ở phía Tây, phía Bắc lên Trung Quốc. Từ đây có thể phát triển sang Thượng Lào, uy hiếp Luang Prabang.

Với những tầm nhìn chiến lược và cách tính toán khác nhau nhưng cả hai bên tham chiến đến đầu tháng 12/1953 đã chấp nhận trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ.

Đây là đặc điểm xuất hiện lần đầu tiên trong các trận quyết chiến chiến lượng trong lịch sử Việt Nam.

Đặc điểm này phản ánh tính hiện đại của chiến tranh khi mà các phương tiện thông tin và do thám hiện đại cho phép mỗi bên có thể theo dõi được những cuộc chuyển quân lớn của đối phương.

Trong điều kiện đó, thắng bại của trận quyết chiến  không còn là sự bí mật, bất ngờ của điểm quyết chiến, mà là binh lực và tài thao lược, là cách bài binh bố trận, là nghệ thuật quân sự của mỗi bên, trong đó chỉ đạo chiến dịch hay nói cách giản đơn là cách đánh, giữ vai trò rất quan trọng.

Chọn chiến thuật nào?

Nghiên cứu trận Điên Biên Phủ, ai cũng nhận biết một đặc điểm nổi bật là sự thay đổi cách đánh về phía Việt Nam, chuyển phương châm chỉ đạo tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

Ngày 9/12, bộ phận tham mưu, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình địch ở Điện Biên Phủ đang ở trạng thái lâm thời phòng ngự, chưa kịp xây dựng công sự vững chắc, đưa ra hai phương án: Đánh nhanh, đánh chắc và sau khi cân nhắc thuận lợi và khó khăn, đã chọn phương án "đánh nhanh, thắng nhanh", chủ trương cần tranh thủ đánh sớm, đánh nhanh bằng sức mạnh hiệp đồng của bộ binh và pháo binh.

Đó là cách đánh mà Cố vấn Mai Gia Sinh gọi là "oa tâm tạng chiến thuật" (chiến thuật moi tim) dùng mũi thọc sâu "như một gươm đâm thẳng vào tim, tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu, rồi từ trong đánh ra từ ngoài đánh vào, tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn".

Lúc đó, binh lực của địch ở Điện Biên Phủ đã tăng lên 10 tiểu đoàn bộ binh có 16 pháo 105, sở chỉ huy, trận địa pháo, một số cứ điểm đang xây dựng, sân bay Mường Thanh đang được sửa chữa và đã có 6 máy bay tiêm kích F8F Bearcats.

Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn cố vấn quân sự lên đường ra mặt trận.

Sáng ngày 12/1, tại Tuần Giáo, khi nghe tướng Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình và phương án tác chiến, Đại tướng đã nhận thấy "ngay bây giờ đánh nhanh đã khó. Rồi đây hẳn càng khó" và "cần tìm hiểu thêm tình hình".

Chiều hôm đó đến chỉ huy ở Thẩm Púa, Đại tướng hội ý ngay Đảng ủy mặt trận, tất cả đều tán thành chủ trương "đánh nhanh, thắng nhanh" và tin rằng có thể giành thắng lợi trong vài ngày đêm.

Tối hôm đó, Đại tướng lại gặp Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh, Đại tá Hoàng Minh Phương làm phiên dịch.

Trong trao đổi ý kiến, Cố vấn Vi Quốc Thanh tán đồng phương án đánh sớm, đánh nhanh do cán bộ tham mưu Việt Nam và cố vấn Trung Quốc đã nhất trí đề xuất.

Sau khi cân nhắc về những băn khoăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cố vấn Vi nói: "Nếu không tranh thủ đánh sớm khi địch còn đứng chân chưa vững, để nay mai chúng tăng quân và củng cố công sự thì không đánh được, ta sẽ bỏ mất thời cơ".

Trong hồi ký của mình, Đại tướng và Hoàng Minh Phương đều thống nhất ghi nhận nội dung của buổi trao đổi này.

Với tất cả tài năng, kinh nghiệm và sự nhạy bén của một vị Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận thấy "phương án đánh nhanh, thắng nhanh là quá mạo hiểm", nhưng mới đến mặt trận, chưa hội đủ cơ sở thực tế để bác bỏ, trong lúc toàn bộ Đảng ủy và cố vấn lại nhất trí với phương án đó.

Trước khi ra trận, Bác Hồ trao cho Đại tướng nhiệm vụ "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Phải chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh" và căn dặn: "Tướng quân tại ngoại, giao cho Chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau".

Đại tướng được Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị tín nhiệm giao nắm quyền lực tập trung về quân sự: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Bí thư quân ủy TƯ, Tổng Tư lệnh quân đội và trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tướng H.Navarre đã từng nói: "Tôi phát ghen với tướng Giáp". Nhưng cũng chính vì trọng trách và sự tín nhiệm đó, Đại tướng đứng trước một tình thế rất khó xử: Biết phương án tác chiến mạo hiểm, ít khả năng thắng lợi, thậm chí có thể thất bại, nhưng lại được Đảng ủy và các cố vấn nhất trí tán thành, quân sĩ đang trong khí thế và quyết tâm cao.

Thế đơn độc

Bác Hồ đã giao cho Đại tướng toàn quyền quyết định, nhưng khi quyết định phải được sự thống nhất trong Đảng ủy và với cố vấn.

Thời gian cũng không cho phép báo cáo xin ý kiến Bác Hồ và Bộ chính trị (không dám dùng điện đài vì sợ lộ bí mật).

Đại tướng ở vào thế đơn độc và đành phải tạm thời cho triển khai phương án, ngày 14/1 triệu tập hội nghị cán bộ, phổ biến mệnh lệnh chiến đấu với dự kiến trận đánh diễn ra trong 2 ngày 3 đêm, giờ nổ súng định là 17h ngày 20/1.

Phương án đánh nhanh coi như được công nhận là chủ trương thống nhất của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch và các cố vấn Trung Quốc.

Trong lúc đó, Đại tướng chỉ thị cơ quan tham mưu theo dõi chặt chẽ tình hình địch và thúc đẩy công việc chuẩn bị mọi mặt, nhất là việc kéo pháo vào trận địa.

Đoạn đường kéo pháo bằng tay vào trận địa khá dài, qua những dốc cao vực thẳm, có dốc cao đến đến 60 độ, trong lúc máy bay và pháo địch luôn luôn cản trở.

Bộ chỉ huy điều động 2 đại đoàn làm nhiệm vụ mở đường, kéo pháo, dự kiến hoàn thành trong 3 đêm. Thế mà sau 7 đêm, pháo vẫn chưa vào vị trí và thời gian nổ súng phải lùi lại 5h ngày 25/1. Trong lúc đó, quân địch đã tăng lên 12 tiểu đoàn và một tập đoàn cứ điểm kiên cố đã hình thành.

Lúc đó, theo hồi ký của Đại tướng, chỉ có Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn phản ánh khó khăn phải đột phá ba lần mới vào được tung thâm và Cục phó Cục Bảo vệ Phạm Kiệt được cử đi kiểm tra kéo pháo phía tây dám nói lên tình trạng bố trí trận địa pháo dã chiến dễ bị phản pháo, bị máy bay đánh phá và một số pháo chưa vào trận địa.

{keywords}

Cờ chiến thắng bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát Tơ Ri chiều 7/5/1954

Trong khí thế dâng cao của quân sĩ, hầu như không ai nói lên khó khăn. Do một chiến sĩ bị bắt và phát hiện điện đài địch thông báo ngày giờ tiến công của ta nên giờ nổ súng được lùi lại 0h, tức ngày 26/1.

Sau 11 ngày đêm suy tính, nhất là đêm 25/1, hầu như không chợp mắt, Đại tướng đi đến quyết định phải thay đổi cách đánh và địch không còn lâm thời phòng ngự mà đã thành một tập đoàn cứ điểm kiên cố và phía ta, có nhiều khó khăn chưa được tính kỹ để tìm cách khắc phục.

Bài học biết chờ thời cơ

Sáng ngày 26/1, Đại tướng gặp Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh với nắm ngải cứu đắp trên trán vì đau đầu.

Chỉ sau khoảng nửa giờ trao đổi, cố vấn Vi đã nhất trí với sự phân tích, đánh giá của Đại tướng và tán đồng việc hoãn cuộc tiến công, chuyển sang phương châm "đánh chắc tiến chắc".

Hồi ký của Đại tướng và của Đại tá Hoàng Minh Phương đã thuật lại nội dung cụ thể của cuộc trao đổi mang tính quyết định này.

Ngay sau đó, Đảng ủy mặt trận được triệu tập để thảo luận về thay đổi phương châm tác chiến. Dĩ nhiên lúc đầu mọi người không tán thành, nhưng khi đặt vấn đề phải bảo đảm "chắc thắng mới đánh" như quyết định của Bộ Chính trị và lời dặn của Bác Hồ thì mọi người mới nhận ra nhiều khó khăn chưa có biện pháp khắc phục mà thực tế 11 ngày đêm chuẩn bị chiến trường đã bộc lộ khá rõ.

Trên cơ sở nhất trí đó, Đại tướng kết luận chuyển phương châm "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc" và ra lệnh toàn mặt trận hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra.

Trận quyết chiến Điện Biên Phủ được chuẩn bị lại theo phương châm mới và đã đi đến thắng lợi ngày 7/5/1954, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương với 21 tiểu đoàn phòng ngự trong những trung tâm đề kháng và cứ điểm có hệ thống công sự kiên cố và hỏa lực mạnh.

Xoay chuyển cách đánh từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc" là công lao của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

{keywords}
Dân công hỏa tuyến với những chiếc xe đạp thồ góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại

Đại tướng đã sớm nhận ra tính mạo hiểm và nguy cơ thất bại của phương án đánh nhanh. Đây là biểu thị tài năng, sự sáng suốt và nhạy bén của một vị tướng tài ba, dày dạn kinh nghiệm, nhưng biết nhẫn nại chờ đợi để hội đủ cơ sở thực tế có sức thuyết phục mọi người, tạo nên sự nhất trí cao của các tướng lĩnh và quân sĩ càng chứng tỏ bản lĩnh, niềm tin chân lý và sự quyết đoán kịp thời, đúng lúc của vị Tổng tư lệnh.

Trong hồi kí của mình, Đại tướng coi đây là "quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy".

Chuyển sang phương án "đánh chắc tiến chắc" là trở về với tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chủ Tịch và TƯ Đảng thể hiện trong Hội nghị lần thứ IV của Ban Chấp hành TƯ khóa II ngày 25 đến 30/1/1953, Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1953 tại Tỉn Keo, phương án tác chiến đông xuân 1953-1954 ngày 6/12/1953 của Tổng quân ủy trình Bộ Chính trị và cũng là trở về với truyền thống quân sự Việt Nam.

Trong báo cáo của Tổng bí thư Trường Chinh tại Hội nghị TƯ lần thứ IV đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo: "Ta không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh thắng chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn.

Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chúng ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại là hết vốn".

Bác Hồ đặc biệt căn dặn "phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh".

Báo cáo của Tổng quân ủy ngày 6/12/1953, khi địch mới nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ, đã có những phân tích, dự tính các tình huống phát triển, đưa ra khả năng trận Điện Biên Phủ sẽ là trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay và ước tính thời gian chiến đấu độ 45 ngày.

Một sự tiên liệu gần như trở thành hiện thực ở Điện Biên.

Những chiếc xe đạp thồ đã đánh bại tướng Navarre

Jules Roy đã có một nhận xét đây là hình tượng mang phong cách một nhà văn, nhà báo: "Không phải viện trợ bên nòoài đã đánh bại tướng Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200, 300 ký hàng hóa và đẩy bằng sức người, những người ăn chưa đủ no và ngủ thì năm ngay dưới đất trải tấm nilông.

Cái đã đánh bại tướng Navarre, không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương".

Trên nền tảng của chiến tranh toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh và sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, trong p hạm vi chiến dịch Điện Biên Phủ thì sự thay đổi cách đánh là một nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi trận Điện Biên Phủ.



GS Phan Huy Lê

Gia đình & Xã hội xuân Giáp Ngọ