- Hợp đồng thuê đất chỉ có 13m2 trong biên bản, sau gần nửa thập kỷ, “bị đơn” lại bị đòi phải trả 20m dù không có các giấy tờ chứng minh. Cuộc sống của cả một gia đình bỗng nhiên xáo trộn bởi bản án còn nhiều điều khuất tất.
Phản ánh tới VietNamNet, ông Trần Sâm, (SN 1969; có HKTT tại số 589 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) bức xúc khi trở thành bị đơn trong vụ “Tranh chấp đòi nhà đất cho thuê, cho ở nhờ”.
Theo nội dung đơn phản ánh, ông Sâm trở thành bị đơn trong vụ kiện “tranh chấp đòi nhà đất cho thuê, cho ở nhờ” do bà Vũ Thị Nguyệt Thu (địa chỉ tại số 81 phố Nguyễn Công Hoan, quận Ba Đình, TP Hà Nội) là nguyên đơn khởi kiện.
“Vụ án đã được TAND quận Tây Hồ xét xử sơ thẩm xong, nhưng do bản án sơ thẩm này tuyên xử bất công, phi lý nên tôi đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Hiện này TAND thành phố Hà Nội đang giải quyết theo thủ tục phúc thẩm vụ án và có kế hoạch đưa ra xét xử ngày 26/3/2014” – ông Sâm cho biết.
Ảnh chụp ngôi nhà trước khi sửa chữa. |
Theo hợp đồng thuê nhà năm 1966 ký giữa cụ Trần Văn Đán (ông nội ông Sâm) và cụ Vũ Thị Bé (mẹ nguyên đơn – bà Nguyệt Thu) đã được đăng ký và có xác nhận tại Phòng quản lý nhà đất khu phố Ba Đình và ý kiến của cụ Bé tại Biên bản giải quyết việc đòi lại nhà số 115 khối Bưởi của Phòng quản lý công trình công cộng – UBHC khu Ba Đình đều xác định phần diện tích nhà đất thực tế đem cho thuê tại thời điểm cho cụ Trần Văn Đán thuê chỉ có 13m2.
Trong khi đó, các văn bản được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp có trong hồ sơ vụ án lại không nêu ra được số liệu về diện tích cụ thể tại thời điểm cụ Bé cho cụ Đán thuê nhà từ năm 1966 và sự biến động qua từng thời kỳ của diện tích nhà đất này.
Như vậy, có sự chênh lệch với số diện tích được ghi nhận tại Hợp đồng thuê nhà năm 1966 hơn 7m2. Và phần diện tích này là của gia đình bị đơn từ đời cụ Đán, đến đời ông Sách và anh chị em bị đơn đã cơi nới, nở hậu phía sau và có sự tu tạo mở rộng không thuộc phần diện tích thuê 13m2.
Ông Sâm cho biết: TAND quận Tây Hồ không thu thập chứng cứ từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xác định rõ diện tích ban đầu 13m2 cho thuê từ đời ông cha, nay là 20m2 do đâu mà mặc nhiên cho rằng diện tích cho thuê là 20m2 đã xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của chúng tôi là người đã tôn tạo, cơi nới thêm 7m2, không thuộc diện tích của mẹ nguyên đơn.
|
Ngôi nhà ở thời điểm hiện tại đang bị tranh chấp “trội” 07m2 sau gần 40 năm gia đình ông Sâm thuê lại từ năm 1966. |
Việc nguyên đơn kiện đòi lại 20m2 nhưng không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào chứng minh cho phần diện tích chênh lệch hơn 7m2 là của bố mẹ nguyên đơn thì không thể kiện đòi gia đình tôi 13m2 được.
Việc TAND quận Tây Hồ chấp nhận trả cả 7m2 của chúng tôi tôn tạo cơi nới là phí lý.
Về việc thẩm định quan hệ pháp luật tranh chấp, ông Sâm bức xúc vì TAND quận Tây Hồ đã xác định sai quan hệ này. Cụ thể: Quan hệ tranh chấp trong vụ án này tại cấp sơ thẩm này được TAND quận Tây Hồ xác định là “tranh chấp đòi nhà đất cho thuê, cho ở nhờ” là không đúng vì tại thời điểm khởi kiện không có tài liệu chứng cứ chứng minh nguyên đơn cho bị đơn thuê nhà của mình và cũng không có quan hệ cho mượn nhà ở nhờ.
“Nếu xác định việc bố nguyên đơn cho ông nội tôi thuê nhà thì đến nay không còn mối quan hệ thuê đó nữa và không nghiễm nhiện coi đó là việc tôi – bị đơn đang ở nhờ. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thuê là thuê, ở nhờ là ở nhờ và phải căn cứ vào tài liệu chứng cứ chứng minh. Tòa án cấp sơ thẩm buộc tôi vừa phải chịu nghĩa vụ của của người thuê vừa phải chịu nghĩa vụ của người ở nhờ là không đúng trong khi không có giao dịch ở nhờ nào phát sinh giữa các bên.” – ông Sâm cho hay.
Thời điểm hiện tại, bố của ông Sâm - ông Trần Văn Sách ốm điều trị dài ngày trong quá trình tố tụng sơ thẩm và qua đời vào ngày 22/5/2013; ông Sâm có con nhỏ đang độ tuổi đi học.
Theo ông Sâm, hiện gia đình đang khó khăn về chỗ ở nên cần có thời gian tìm kiếm nơi ở mới sau khi được nguyên đơn thanh toán đầy đủ tiền mua lại diện tích 7.2m2 và tiền thanh toán công sức bảo quản, trông nom, duy trì, tụ tạo nhà đất tính đến hôm nay.
“Chúng tôi đề nghị Tòa xem xét đến quyền lợi của gia đình tôi trong việc duy trì, bảo quản, cơi nới, sửa chữa nhà và đất ở phần diện tích nhà đất chênh lệch khoảng 7.2m2 so với phần diện tích thực tế 13m2; buộc nguyên đơn thanh toán tiền công sức duy trì và bảo quản tài sản đối với nhà đất vì nếu không có công sức duy trì, quản lý, trông coi của gia đình tôi thì căn nhà cũng không còn để mà nguyên đơn đòi chia như hiện nay” – ông Sâm cho biết.
- Thái Linh
Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/1/1999 hiện đang còn hiệu lực hướng dẫn một số quy định tại nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 của Ủy ban thường vụ quốc hội (hiện đang còn hiệu lực pháp luật) có quy định việc giải quyết tranh chấp về giao dịch dân sự thuê nhà ở và/hoặc theo giao dịch dân sự cho mượn, cho ở nhờ như sau: - Đối với quan hệ tranh chấp xác định là thuê nhà ở: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Mục III của Thông tư liên tịch 01 về tranh chấp về hợp đồng thuê nhà ở giữa cá nhân với cá nhân nêu rõ chỉ có 03 (ba) trường hợp để Tòa án xử cho Bên cho thuê được lấy lại nhà thuê là: + Bên thuê nhà đã có chỗ ở khác; + Bên thuê nhà có điều kiện tạo lập chỗ ở khác + Hoặc bên cho thuê nhà tự nguyện tạo điều kiện cho bên thuê nhà có chỗ ở khác. Ông Sâm cho biết: "Thực tế, tôi công tác tại cơ quan hành chính, chỉ có đồng lương, không có thu nhập nào khác nên không có tiền để mua nhà. Tiền lương còn phải nuôi con nên cũng không có tiền để thuê nhà. Phía nguyên đơn cũng không tạo điều kiện về chỗ ở cho cha con tôi nên việc Tòa án Tây Hồ tuyên xử tôi phải trả nhà là trái quy định của pháp luật." - Đối với quan hệ tranh chấp xác định là cho mượn nhà ở nhờ: Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH và khoản 2 Mục III Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC thì bên ở nhờ có phải trả lại toàn bộ hay một phần nhà đất cho bên cho ở nhờ hay không còn phụ thuộc vào điều kiện quy định về số m2 diện tích bình quân trên đầu người. Thực tế, tại cấp sơ thẩm TAND quận Tây Hồ đã không xem xét và căn cứ các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này để giải quyết mà mặc nhiên tuyên buộc tôi phải hoàn trả lại toàn bộ nhà đất là sai pháp luật viện dẫn. |
Việc tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ ngày 02/8/2013 của TAND quận Tây Hồ đo đạc là không chính xác. “Theo số liệu của UBND phường Bưởi cung cấp toàn bộ diện tích nhà đất tranh chấp là 20,2m2. Khi định giá ngày 15/8/2013 thì diện tích nhà đất chỉ còn là 18,36m2, diện tích này đo bằng thước dây, áng đo bằng tay, bằng mắt của thành viên Hội đồng định giá mà không bằng máy móc đo đạc trắc địa chuyên nghiệp nên hoàn toàn không chính xác. Tòa án bỏ qua ý kiến của tôi khẳng định diện tích nhà đất là 20,2m2 tại buổi làm việc. Cần phải xác định chính xác diện tích nhà đất tranh chấp và diện tích đất chênh lệch so với giao dịch thực tế năm 1966 giữa các bên mới có cơ sở tuyên án đúng pháp luật.” – ông Trần Sâm phản ánh. |