- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban tiếp công dân TƯ không được là "văn thư cao cấp".
Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố quyết định thành lập Ban tiếp công dân TƯ sáng nay tại Hà Nội. Ban thay thế Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư của Thanh tra Chính phủ, có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
7 cơ quan sẽ cùng tham gia Ban tiếp công dân gồm: Thanh tra Chính phủ, Văn phòng TƯ Đảng, Ủy ban Kiểm tra TƯ, Ban Nội chính TƯ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hộị.
Ban tiếp dân ở cấp TƯ này ra đời không có nghĩa làm thay nhiệm vụ tiếp dân khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chức năng chuyên môn, nhất là ở cấp tỉnh, huyện. Phát biểu tại buổi công bố sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chức năng "làm mẫu" cho các cơ quan địa phương, ngành trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo; chuẩn bị, trang bị cơ sở vật chất cho công tác tiếp công dân; xây dựng hệ thống thông tin kết nối trong toàn quốc về công tác tiếp công dân.
Ông Phúc cũng đặc biệt lưu ý các cơ quan chức năng phải lắng nghe ý kiến Ban tiếp công dân, không để ở trụ sở tiếp công dân rất “nóng” lên đến cơ quan TƯ lại “im ắng”. Nhưng ngược lại, không có nghĩa Ban chỉ dừng ở vai trò "văn thư cao cấp", tức chỉ "nhận và kính chuyển" đơn của công dân đi các cấp, cơ quan chuyên môn giải quyết.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban phải làm tốt nhiệm vụ tiếp công dân, hướng dẫn giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo, không dừng ở việc nhận đơn và kính chuyển, mà phải quyết liệt cùng dân theo vụ việc đi đến giải quyết cuối cùng. Qua đó khắc phục tình trạng đơn thư của dân bị kính chuyển và đi lòng vòng.
"Khiếu nại, tố cáo là quyền được pháp luật quy định rõ. Làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân; tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước" - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đội ngũ cán bộ tiếp công dân phải có trình độ lý luận, hiểu biết pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng vận động quần chúng, đặt mình vào vụ việc, chu đáo, tôn trọng nhân dân, biết lắng nghe và tổ chức khoa học phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo.
Trong các nhiệm vụ của Ban tiếp công dân, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo kết nối trên phạm vi toàn quốc. Ông cũng đề nghị trong tiếp công dân, Tổng thanh tra Chính phủ cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ luân phiên hoặc cùng phối hợp có các buổi tiếp công dân trực tiếp để giải quyết bức xúc của người dân về khiếu nại, tố cáo.
Theo Phó Tổng tranh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức về công tác này ngày càng được nhân lên, pháp luật được củng cố, hoàn thiện; giải quyết khiếu nại, tố cáo quyết liệt, thường xuyên, góp phần giữ ổn định an toàn xã hội.
Tuy nhiên, trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng còn những hạn chế nhất định, một số nơi chưa trực tiếp tiếp công dân theo quy định; hiện tượng chồng chéo, sai sót trong xử lý đơn thư còn khá phổ biến; nhiều vụ việc giải quyết chậm, vẫn còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh, giải quyết thiếu dứt điểm dẫn đến khiếu kiện kéo dài, đông người, vượt cấp; việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài có nơi còn lúng túng, thiếu quyết liệt… ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và xã hội.
Linh Thư