- Từ Tân Sơn Nhất trở về Phan Rang, cách sân bay 80 km, máy bay vị trí thứ hai bỗng đèn đỏ báo hiệu sắp hết dầu. Phi công Từ Đễ quyết định bay bằng một động cơ,  chuẩn bị tinh thần nhảy dù...

Bài 1: Phi đội Quyết thắng và bí mật mang tên Mười Thìn

Bài 2: Phi đội hào hoa đánh Tân Sơn Nhất

Nhớ lại lúc xung trận, ông Từ Đễ không thể nào quên cái nặng nề của máy bay cường kích hạng nhẹ A37:  đeo 4 quả bom loại Mk 81 và Mk 82 cộng với 4 thùng dầu phụ treo bên ngoài.

Nếu như loại dù thiết kế cho A37 thuộc loại đeo lưng thì cả đội lái lại phải dùng loại dù ngồi của MiG17. 

“Tất cả như những “thằng Gù nhà thờ Đức Bà”, chịu trận suốt chuyến bay -– ông kể.

Dáng người to cao, trong buồng lái nhỏ, thấp, lại phải độn chiếc dù ngồi lên trên, ông Từ Đễ mô tả: Cần lái vốn ngắn, nay lại ngồi cao hơn đến 40 phân, dù hạ ghế xuống thấp nhất thì cầm cần lái vẫn như mò cua dưới chân! Máy bay thì quá nặng, ngay anh Sanh cũng chưa bao giờ treo nặng như vậy, liệu cất cánh ra sao. Tôi nói với anh em: Thôi, sân bay sạch sẽ, ta mở lưới sớm đi cho động cơ nó khỏe ngay từ đầu và chiều chắc gió sẽ mạnh lên giúp anh em mình”.

Nhân bảo như trời bảo, 2 giờ chiều mây đùn lên, gió cuốn hút theo làm tăng tốc độ từ phía bắc thổi về. Nhiệt độ mặt sân đỡ nóng hơn đều tạo điều kiện thuận lợi cho cất cánh.

“Tuy sân bay dài hơn 3 cây số, nhưng  lúc cất cánh tới mút đường băng mới rời đất! Hú vía! Thế là bắt đầu chuyến bay tấn công Tân Sơn Nhất -” – ông kể lại giờ G với toàn đội.

May mà đúng nghề dẫn đường

Nhiệm vụ giao cho mỗi thành viên phi đội khác nhau và đánh giá việc hoàn thành trận đánh cũng theo nhiệm vụ. 

Do thông thạo sân bay nên Nguyễn Thành Trung đi đầu có nhiệm vụ  ném bom dọc theo chiều dài mục tiêu, để chỉ điểm cho các đồng đội còn lại, từ đó xác định khu vực ném bom của mình.

“Nhưng khi anh Thành Trung nhào xuống thì không thấy vệt nổ, anh báo “bom không ra” - ôngTừ Đễ kể về phút khớp lúc đầu của toàn đội.

{keywords}
Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương phi đội Quyết Thắng. Ảnh tư liệu

Bay số 2 nên nghe báo vậy, Từ Đễ liền hiểu ngay nhiệm vụ dẫn đường của mình, thay Nguyễn Thành Trung làm nhiệm vụ chỉ thị mục tiêu. Vốn là dân dẫn đường nhiều kinh nghiệm, Từ Đễ bình tĩnh vừa ép cần lái lật ngửa máy bay kéo vào bổ nhào, thu ga nhỏ rồi thả tay ga, lấy tay chuyển công tắc ném một lần sang chế độ ném rải  thành vệt. 

Vừa chuyển công tắc xong thì đã đến thời điểm cắt bom. Nghe thấy tiếng lịch kịch dưới cánh báo hiệu bom rời hết, ông kéo mạnh cần lái thoát li khỏi bổ nhào.

Khi máy bay ngóc đầu lên trên đường chân trời, ông lật ngửa máy bay xem kết quả: vệt bom đầu tiên dội xuống sân bay nổ trúng khu để máy bay vận tải và trực thăng, chắn hết cửa ra vào khu để máy bay, kéo dài đến giữa khu vực mục tiêu.

Ông kéo máy bay nấp dưới bụng máy bay số 1 đang bay ở phía trước. Lúc này các số theo thứ tự đã vào bổ nhào cắt bom hết và sân đậu quân sự chìm trong khói  lửa.

"“Cứ thế bác bay bám sát số 1 suốt 4 vòng bổ nhào cho đến khi ông Thành Trung kêu bom rơi hết, ông ném xong thì kéo lên chui vào mây. Bác mải nhìn khu vực mục tiêu, lúc này mới mất dạng số 1",– ông Từ Đễ kể.

Toàn bộ khu đỗ máy bay của không quân Sài Gòn - điểm tựa tinh thần và yểm trợ hỏa lực cuối cùng của quân đội VNCH bị phá hủy. 25 chiếc máy bay bị phá. Đòn đánh  biểu diễn “kĩ thuật ném bom tự do của không quân miền Bắc trên đầu Bộ tư lệnh Không quân Sài Gòn chỉ diễn  ra trong vòng 7 phút.

Chút tự do hiếm thấy

Khi cả biên đội đã rời khỏi bầu trời Tân Sơn Nhất, ông Từ Đễ còn lại một mình, quyết định lượn 1 vòng phải qua trung tâm.

Ở độ cao chừng 70 m, ông thấy thành phố náo loạn, các con đường sau cơn mưa sũng nước. Chuyến bay đột xuất vậy nhưng sau này được đánh giá như cú đánh động toàn trung tâm ngay trên đầu tân Tổng thống Dương Văn Minh.

Khi kết thúc vòng lượn ông kéo máy bay lên đổi hướng về Phan Rang. Bỗng trước mắt ông hiện lù lù một chiếc máy bay vận tải C141 đen trũi đang nghiêng cánh ra phía Biển Đông.

{keywords}
Ông Từ Đễ và gia đình

Nhớ mệnh lệnh về “5 điều cấm”, ông lái sát với máy bay này với giãn cách khoảng 30m. Chiếc C141 thấy vậy cải độ nghiêng bay bằng, ông bay song song với máy bay vận tải, mở đèn chớp cảnh báo va chạm và giơ tay đeo găng trắng của mình vẫy chào máy bay Hoa Kỳ.

Rồi ép độ nghiêng trái úp qua đầu chiếc C141 như nói: “Chào, các ông  về Hoa Kỳ, tôi về nhà tôi. Tối rồi.”

Tôi bật cười hỏi: “Sao bác không liên lạc với họ mà chào? Ông Từ Đễ cười: “Tuy cùng  kênh sóng liên lạc (do đặt 2 kênh liên lạc đồng thời) nhưng tôi thông thạo tiếng Nga, đâu có biết nói tiếng Anh. Hơn nữa trong tai nghe rất ồn ào, không phân biệt ai với ai lúc tiếng Việt, lúc tiếng Anh. Tốt nhất là cúp liên lạc kênh chung”.

Trên đường từ Tân Sơn Nhất trở về khi cách sân bay 80 km, thấy đèn đỏ cảnh báo sắp hết dầu, phi công Từ Đễ quyết định cúp một động cơ, bay bằng một động cơ và chuẩn bị tinh thần nhảy dù nếu động cơ còn lại hết dầu tắt máy.

“Cho đến khi thấy sân bay Phan Rang ông mới lấy tầm cao lướt xuống và còn cách mặt đất 2 mét thì "xèo" 1 tiếng, động cơ tắt”.

Sau này trên Bộ đánh giá, phi đội đã đánh một trận hiệp đồng chiến dịch quân binh chủng lớn nhất trong lịch sử quân đội ta. Phi đội đã đánh đúng thời gian, đúng mục tiêu, vượt yêu cầu nhiệm vụ - đập nát tinh thần của chính quyền và quân đội Sài Gòn, gây hỗn loạn xã hội.

Làm chủ bầu trời để hôm sau 5 mũi tấn công vào nội đô không có bất kỳ máy bay nào ném bom vào đội hình, rồi bảo vệ các cầu cho quân ta vào Sài Gòn, phá hủy tất cả máy bay còn lại của không quân Sài Gòn.

Nhớ “mùi sân bay”

Thấm thoát kể từ trận “khóa đuôi”, kết thúc 10 năm chiến đấu của không quân ta, nay ông Từ Đễ về hưu với  44 năm dành trọn cho quân đội, trong đó có 33 năm làm phi công chiến đấu.

Sau chiến thắng này, các phi công của phi đội Quyết Thắng còn tham gia giải phóng các đảo của Tổ quốc tới tận trung tuần tháng 6/1975, rồi bước vào các cuộc ném bom chi viện bộ đội trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Năm 1987, các thành viên còn lại của phi đội được trang bị máy bay Su22 cánh cụp xòe lại quay về Phan Rang. Lúc này họ đã là các cán bộ chỉ huy cấp Sư đoàn như ông Lục, ông Quảng, ông Đễ và làm công việc huấn luyện các thế hệ phi công trẻ thay mình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

{keywords}
Cháu gái của cựu binh không quân Từ Đễ theo ông thăm lại chiếc máy bay A37 trong bảo tàng.

Ngày 10/2/1988 họ đã thực hiện chuyến bay đầu tiên ra đảo Trường Sa, mở đầu cho các hoạt động trực tiếp bảo vệ các đảo và thềm lục địa Tổ quốc từ đó đến nay. Đặc biệt ông Hán Văn Quảng còn trực tiếp dẫn đầu biên đội Su22 bay ra tận đảo Thuyền Chài xa nhất.  

Sau này các bác có hay gặp nhau và điều gì khiến mọi người gắn bó với nhau?”, tôi hỏi. Ông trầm ngâm: “bác Quảng, bác Lục, bác On, và các bác kĩ thuật như bác Huynh, bác Chu Hải, bác Thủy cũng gặp nhau luôn.

"Cô hỏi cái gì gắn bó mọi người với nhau như vậy ư? Nói nghe buồn cười nhưng chúng tôi gọi đó là “mùi sân bay”. Mùi này thực ra là mùi khí xả ra từ động cơ của máy bay phản lực, là mùi của tiếng ồn khi tăng lực, mùi của nắng gió và sương mù. 

Trộn lẫn tiếng chim rừng, ếch nhái ban đêm. Mỗi khi xuống máy bay dân sự, bác lại chui  phía đuôi động cơ để cảm nhận mùi này cho đỡ nhớ ngày tháng qua. Vài người còn nhìn bác ngạc nhiên, nghĩ chắc ông già kia dở hơi rồi".

Trở lại thú vui hiện tại của ông, tôi hỏi: “Bác viết gì khi thị trường sách đọc bão hòa?”

“"Các bác bao gồm các cựu phi công chiến đấu có máu văn nghệ họp lại cùng viết một quyển  sách tựa "“Các cuộc không chiến trên bầu trời  Việt Nam 1965-1975, nhìn từ hai phía” do ông Sỹ Hưng, tiến sĩ tâm lí học tại Liên Xô, nguyên Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch HĐTV Hãng hàng không quốc gia Việt Nam làm chủ biên.

Các bác tự bỏ tiền ra viết, in và phát hành sách. Quyển sách 1.000 trang đã trở thành một quyển tự diển mini để tra cứu duy nhất về không quân có hệ thống. Các bác đã tái bản lần thứ hai và cơ bản là các nhà nghiên cứu Mỹ mua"”.

Ông còn chia sẻ thêm mong ước “vẽ được cái mùi sân bay nữa”.“ "Cô chắc chê tôi lẩm cẩm, thế cô đã xem phim “Nebratsca” chưa?". Trong ký ức của người lính không quân về quá khứ đầy ắp niềm tự hào vì đã dám đương đầu thắng lợi với Không quân và Hải quân Mỹ, ông nhìn xa xăm: “Thế là các bác đi lính đã tròn 50 năm rồi. Chỉ mong thế hệ trẻ ngày nay nếu làm nhiệm vụ phải bắn tên lửa và ném bom chính xác như ngày xưa giống các bác.

Tôi rời khoảng sân ngập nắng trong căn nhà ông với ý định tìm xem bằng được bộ phim Nebratsca mà ông Từ Đễ đề cập tới. Để hiểu thêm những điều mà thế hệ chúng tôi bây giờ không thể hiểu hết.

Xuân Linh