Đằng sau ánh đèn lấp lóa, tiếng nhạc xập xình nơi quán bar, karaoke là cả một thế giới đầy phức tạp. Nào tiếp viên, gái gọi, dân anh chị bảo kê nhận hoa hồng... Vụ án Phùng Kim Anh (SN 1995, trú tại xóm Lọc, xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội) cùng đồng bọn bắt cóc nữ tiếp viên ức hiếp và thực hiện hành vi cướp tài sản là một ví dụ.

Tất cả phải trả giá cho hành vi sai trái của mình nhưng liệu đó có trở thành bài học cho những kẻ khác. Và đâu đó, tôi luôn bắt gặp hình ảnh những người mẹ đau khổ, suy sụp vì hành vi phạm tội của con. Nỗi đau không dừng lại ở những phiên xử...

Hành vi manh động

Câu chuyện bắt nguồn từ cô tiếp viên và những kẻ bảo kê. Nguyễn Thị Tập (SN 1990, ngụ tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) là tiếp viên dưới quyền quản lí của Bùi Hữu Cường (SN 1989, quê Thanh Hóa). Là tay anh chị hoạt động trong nghề đã lâu, Cường tổ chức thuê phòng trọ ở đường Cầu Giấy (phường Quan Hoa) cho họ để tiện điều hành quản lý.

Mỗi lần được Cường bố trí ngồi với khách, tiếp viên phải nộp 50.000 đồng. Do thiếu tiền, Tập vay của Phùng Phi Long (SN 1988, quê ở Hải Dương - bạn của Cường) 2 triệu đồng. Phát hiện nữ nhân viên này làm mất lòng khách, Cường đuổi việc Tập và yêu cầu phải trả hết nợ nần.

Một ngày đầu tháng 5/2014, biết tin Tập đang làm việc tại quán karaoke ở đường Hoàng Quốc Việt, Cường cùng Đào Đức Vinh (SN 1993, quê ở Hải Dương) đến đòi nợ. Lời qua tiếng lại, bức xúc với thái độ của nữ tiếp viên không trả tiền, hai tên này ép Tập đến phòng trọ. Trên đường đi, Cường cướp điện thoại của nạn nhân. Tại nhà trọ, Cường bắt nạn nhân quỳ xuống nền nhà, vừa chửi vừa đánh nạn nhân lại dùng dao dọa cắt bộ phận sinh dục.

Sau khi được Cường thông báo, Long rủ thêm Trần Văn Chung (SN 1990, quê ở Nam Định) và Phùng Kim Anh cùng đến đòi nợ. Đến nơi, nhóm này ép chị Tập viết giấy mượn xe máy với điều kiện bao giờ trả tiền thì trả giấy, nếu không trả sẽ mang giấy ra cơ quan công an. Sau đó cả bọn bỏ đi và giao Kim Anh ở lại chờ người nhà Tập đến giải quyết. 

Tối cùng ngày, Kim Anh uy hiếp nạn nhân đến nhà nghỉ và giở trò đồi bại. Khi bạn trai của nữ tiếp viên này mang chứng minh thư đến thì nạn nhân mới được ra về. Sáng hôm sau, Tập đến công an phường trình báo sự việc bị cướp tài sản và hiếp dâm.

Tâm tình người mẹ kêu oan

Tất cả đều phải trả giá cho hành vi tội lỗi của mình tại phiên tòa sơ thẩm của TAND quận Cầu Giấy vào hồi tháng 3/2015. Riêng bị cáo Phùng Kim Anh kháng cáo mong giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên phúc thẩm diễn ra vào 5/6 vừa qua tại TAND TP.Hà Nội, hình ảnh bị cáo mới 20 tuổi, gương mặt trẻ măng khóc thút thít như một đứa trẻ cùng bà mẹ nghèo khiến ai ai cũng chạnh lòng.

Ngồi chờ khá lâu trong phòng xử, người mẹ lam lũ ngồi lọt thỏm giữa các hàng ghế trống. Chốc chốc bà lại ngước lên nhìn con, ngó quanh chẳng nói thành lời. Hình như thấu hiểu tâm trạng người mẹ ấy, bị cáo ngồi ở vành móng ngựa cũng mím chặt môi im lặng. Những khoảnh khắc mẹ con gần ngay trước mắt mà những đỗi quá xa vời.

{keywords}
Bị cáo tại phiên tòa

Người đàn bà ấy có tên khá lạ bà Vàng. Nét mệt mỏi, lo lắng như thấm vào từng nếp xếp thời gian của bà mẹ mới chừng ngoài 50. 

Vừa nói bà Vàng vừa nức nở: “Tôi có 4 người con, thằng Kim Anh là út, nhà thì quanh năm làm ruộng, kinh tế cũng khó khăn muôn chừng. Dẫu vất vả trăm bề nhưng vợ chồng cũng cố lo cho ăn học tử tế. Anh chị nó lập gia đình cả rồi nhưng cũng chỉ đủ ăn. Thằng út (chỉ Kim Anh) mới học hết lớp 12, ở nhà nó ngoan và thương bố mẹ nhất. 

Chỉ còn mỗi 1 đứa chẳng nhẽ lại cho nó “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như chúng tôi. Rồi nó lên Hà Nội kiếm việc làm. Ban đầu chúng tôi yên tâm để cháu làm cùng anh rể, ở cùng anh chị để có người quản. Mới được có một tháng, nghe bảo có bạn rủ rê đi làm chỗ khác nhiều tiền hơn, nó bỏ. 

Khuyên can hết lời mà nó gạt đi. Còn nhớ đó là vào đầu tháng 2 năm ngoái. Đùng một cái, ông chồng nhà tôi lâm bệnh, căn bệnh thần kinh quái ác hành hạ bao năm giờ khiến cho ông ấy kiệt sức. Sau trận đó, ông ấy biến thành người ngây dại, chỉ quanh quẩn ở nhà".

Thương chồng, thương con bà Vàng cố sức lai lưng ra làm để trang trải cuộc sống. “Ở nhà đâu biết nó làm gì trên đó, rồi nghe tin nó bị bắt. Tôi sững người đau đớn”, nhắc đến đây, gương mặt bà Vàng dúm dó, đôi mắt đỏ hoe tự lúc nào. 

Rồi bà quay sang nói vội: “Các cô các chú là nhà báo thì tôi kể hết, chứ thực tình tôi nghĩ nó bị oan. Mới nứt mắt biết cái gì đâu, nó chỉ đi cùng toàn nghe theo lời sai bảo của đứa chủ mưu, mà rồi có đứa còn bị phạt tù ít hơn nó. Lần này nếu không giảm được án, nhất định tôi sẽ đưa lên tòa Tối cao”. 

Theo bản án sơ thẩm của TAND quận Cầu Giấy thì Bùi Đức Cường, Đào Đức Vinh bị phạt 5 năm tù, Phùng Phi Long 3 năm tù, Trần Văn Chung 39 tháng tù, Phùng Kim Anh 45 tháng tù cùng về tội “Cướp tài sản” và “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Đúng là bị cáo Phùng Kim Anh có tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, xét theo tính chất trong vụ án này bị cáo Kim Anh đóng vai trò đồng phạm tích cực có tham gia trực tiếp vào quá trình bắt và giam giữ bị hại. 

Bị cáo còn may mắn thoát tội hiếp dâm do bị hại không khởi kiện khi đã nhận được bồi thường được 30 triệu đồng. Ngẫm lại, người mẹ nào cũng thương con xong cũng thấy rằng tội trạng đã có pháp luật trừng trị, đây cũng sẽ là bài học xương máu cho Kim Anh sau này. Chỉ thương người mẹ kia chạy vạy khắp nơi mong cho con giảm án được từng ngày.

Dù đã hầu tòa lần thứ 2 nhưng nỗi sợ sệt, bàn tay run run mỗi khi chủ tọa hỏi, HĐXX phải trấn tĩnh mãi bị cáo mới từ từ trả lời. Tiếng quạt trần ù ù chạy và chỉ có cuộc đối thoại giản đơn. 

Phiên tòa diễn ra nhanh chóng lạ thường, không tranh cãi, không gay gắt bởi Kim Anh thừa nhận toàn bộ tội trạng của mình. Vì sai lầm nông nổi mà khiến cho cậu và gia đình rơi vào tình cảnh này. Chính HĐXX cũng cảm thấy tiếc nuối cho tình cảnh bị cáo đã lâm chốn lao tù khi tuổi đời còn quá trẻ.

Do không có tình tiết gì mới để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo nên tòa tuyên y án, bị cáo dẫn ra khỏi phòng xử mặt buồn nhưng không khóc, bởi cậu biết cái giá mình phải trả. Vừa bước đi cậu vừa quay lại nhìn mẹ rồi bỗng khóc òa. Bước thấp bước cao, người mẹ nhanh chân chạy theo con đi xuống cầu thang ra xe áp giải. 

Muốn nói nhiều lắm mà nước mắt cứ nhạt nhòa đi, đến khi xe đi rồi bà Vàng còn ngồi sân tòa nấc lên: “Con ơi...”. Được người con gái dìu đứng lên mà dáng bà cứ mềm oặt như sắp đổ. Cơn giông tố sau ngày hè nóng nực ở đâu bất chợt kéo đến. Họ vội vàng đưa nhau đi về lầm lũi, khổ sở.

Nơi xà lim kia không phải đã kết thúc với Kim Anh bởi còn cả tuổi trẻ và cuộc đời dài phía trước. Tôi còn nhớ ai đó từng nói: “Lỗi lầm không phải là thứ đánh gục ta mà vượt qua nó để ta trưởng thành thêm”. Mong đây là bài học không chỉ cho bị cáo trong vụ án này mà còn cho tất cả các bạn trẻ chúng ta.

(Theo Pháp luật Việt Nam)