-"Trước đây chúng ta được hỗ trợ 10% giá vắc xin dịch vụ nhưng nay đối tác đã cắt khoản này, thêm nữa chi phí vận chuyển cũng tăng lên do tăng tỉ giá nên việc phải điều chỉnh giá vắc xin dịch vụ là bất khả kháng", Giám đốc Công ty Hồng Thúy cho hay.

Theo bà Đặng Hồng Thúy, Giám đốc Công ty Hồng Thúy - đơn vị nhập khẩu và phân phối vắc xin tại miền Bắc, thời gian tới một số loại vắc xin dịch vụ được điều chỉnh tăng giá từ 2-7% gồm: Pentaxim (vắc xin 5 trong 1); Typhim Vi (phòng thương hàn), Pneumo (phòng viêm màng não mủ), Meningo A+C (ngừa viêm não mô cầu). Trong đó tăng cao nhất là vắc xin Pentaxim, từ 572.000 lên 630.000.

"Từ ngày 5/3/2015, Cục Quản lý dược đã đồng ý cho công ty điều chỉnh giá vắc xin Pentaxim thêm 7%. Đúng ra từ tháng 6 vừa rồi, công ty đã có thể bán theo giá mới nhưng thực tế vẫn để giá cũ. Nhưng sắp tới sẽ tăng", bà Thúy nói.

{keywords}
Thời gian tới, nhiều loại vắc xin dịch vụ sẽ tăng giá. Ảnh: T.Huyền

Giải thích nguyên nhân tăng giá vắc xin dịch vụ, bà Thúy cho biết, trước đây Việt Nam được hỗ trợ 10% nhưng nay đối tác đã cắt khoản này, thêm nữa chi phí vận chuyển cũng tăng lên do tăng tỉ giá nên việc phải điều chỉnh giá vắc xin dịch vụ là bất khả kháng.

Bà Thúy khẳng định những thông tin này đều được thể hiện đầy đủ trên tờ khai hải quan.

Theo bà Thúy, hiện công ty cũng đang đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh giá huyết thanh kháng dại Favirab thêm khoảng 8%.

Về thông tin tăng giá vắc xin dịch vụ, cả Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội và Giám đốc Công ty Vắc xin Sinh phẩm số 1 đều khẳng định đã nhận được thông báo tăng giá vắc xin của công ty Hồng Thúy từ 1/6.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, dù đã nhận được thông báo, nhưng do vẫn chưa có Pentaxim nên chưa rõ mức giá sau điều chỉnh là bao nhiêu.

{keywords}
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã thông báo hết vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 từ tháng 3/2015. Ảnh: T.Hạnh

Theo ông Cảm, vắc xin dịch vụ vận hành theo cơ chế thị trường, việc điều chỉnh giá nếu vẫn trong biên độ cho phép là việc hết sức bình thường.

"Bộ Y tế đã có khung giá trần, nếu đẩy lên cao sẽ vi phạm và bị xử lý ngay chứ không có chuyện để ngoài vòng pháp luật", ông Cảm nêu quan điểm.

Ông Cảm cho biết, từ năm ngoái đến nay giá vắc xin dịch vụ rất ổn định. Ngay trong nhiều đợt khan hiếm cao điểm, đơn vị cung ứng vẫn giữ giá. Ông khẳng định trung tâm ông cũng không lợi dụng chuyện khan hiếm để tăng giá.

Ông Cảm cho biết thêm, để cấu thành giá vắc xin dịch vụ gồm nhiều thành phần như: Giá vắc xin, vật tư tiêu hao (bông, băng...), chi phí bảo quản, phần hao hụt do hư hỏng, công tiêm, thuế, chi phí quản lý... Trong đó công tiêm theo quy định chỉ có 10-14 ngàn đồng. Thông thường, sau trừ tất cả chi phí, trung tâm sẽ lãi 4-5%.

Theo ông Cảm, thực tế thời gian qua chỉ thiếu chủ yếu 2 loại vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1, nhưng ngay sau đó trung tâm đã triển khai tiêm thay thế vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng và từ tháng 3 đến nay đã tiêm cho trên 20.000 trẻ.

Ông Cảm khuyến cáo, trong lúc vắc xin dịch vụ vẫn còn khan hiếm, các bậc phụ huynh không nên tiếp tục chờ đợi sẽ làm mất cơ hội phòng bệnh của trẻ.

"Thực tế tỉ lệ tai biến sau tiêm vắc xin Quivaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn ở ngưỡng an toàn, từ 2-4 phần triệu. Do vậy các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng", ông Cảm thông tin.

So sánh số lượng trẻ tiêm vắc xin dịch vụ và mở rộng, ông Cảm cho biết ông đã làm điều tra trong nhiều năm tại Hà Nội, với khoảng 150.000 trẻ sinh ra mỗi năm, chỉ có 8-10% trong số đó tiêm vắc xin dịch vụ, số còn lại vẫn tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo dự kiến từ tháng 10 đến cuối năm nay, cả nước sẽ có thêm khoảng 50.000 liều vắc xin 5 trong 1 Pentaxim, giúp giảm bớt căng thẳng về tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ thời gian qua.

Thúy Hạnh