- Hạn, mặn khan hiếm nước ngọt khiến người dân ở Bến Tre đang phải mua nước sinh hoạt với giá 60.000-80.000 đồng/m3.

Trắng tay, ôm nợ vì lúa ngập mặn

{keywords}

Người dân phải mua nước ngọt với giá rất cao để sử dụng trong sinh hoạt

Tại hội thảo với các đối tác phát triển và nhà tài trợ ứng phó khẩn cấp tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long chiều nay ở Hà Nội, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát lo lắng tình trạng người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán và xâm nhập mặn. 

Ngoài thiệt hại về diện tích lúa, cây ăn quả, thuỷ sản, chăn nuôi…, đời sống của người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do thiếu nước sạch.

Bộ trưởng cho biết, ở Hà Nội nước sạch chỉ có 5.000 đồng/m3 nhưng ở Bến Tre, người dân đang phải mua nước sinh hoạt với giá 60.000-80.000 đồng/m3. Các trường học, khách sạn, bệnh viện cũng không có nước sạch, nhiều nơi còn phải dùng nước mặn loãng để làm nước sinh hoạt hàng ngày.

"Người dân giờ không còn phải ra tận biển để tắm biển, để cảm nhận vị mặn của nước biển như trước nữa. Giờ, người dân có thể cảm nhận được ngay vị mặn ở quanh nhà mình bởi hiện nay, nước ở các khách sạn, ao hồ, kênh ở Bến Tre cũng đã bị nhiễm mặn nặng", Bộ trưởng Phát chua xót nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng xác nhận toàn tỉnh này có 14.774 ha lúa, trong đó có 14.754 ha diện tích lúa đông xuân bị hư hỏng hoàn toàn. 

Việc thu hoạch lúa để lấy rơm cho bò nhưng giờ lúa hỏng, phải mua rơm ở Đồng Tháp chở về. Do đó, nông dân mất trắng 2,5 triệu đồng/ha tiền rơm, ngoài thiệt hại về lúa. Ngoài ra, diện tích nuôi nghêu, hàu cũng bị ảnh hưởng lớn.

"Về nước sinh hoạt, tỉnh đã tập trung chỉ đạo chở nước bằng xà lan để cấp cho các nhà máy sản xuất thực phẩm. Nhà máy sử dụng nồi hơi, bệnh viện khoa chạy thận và khoa dinh dưỡng được cấp. Trường học, khách sạn 3, 4 sao được cấp nước, chủ yếu phục vụ khách quốc tế. Công suất cấp nước khoảng 500 khối nước/ngày", ông Trọng nói.

Chủ tịch tỉnh Bến Tre cho hay, tác động hiện nay đa số rơi vào đối tượng nghèo và cận nghèo nhiều nhât vì không có vốn để đầu tư thiết bị chứa nước. Tỉnh đang vận động xã hội hóa, đầu tư một số máy lọc nước mặn.

Bảo Hân