- Không ít tư lệnh ngành mới là những gương mặt "thân quen", gắn bó với ngành từ trước.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng có gần như toàn bộ quá trình công tác gắn bó với Bộ này.
Ông là tiến sĩ kinh tế, từng công tác tại Vụ Quản lý Dự án đầu tư nước ngoài, Cục phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Vụ Thương mại và Dịch vụ... ở vị trí quản lý, rồi làm Thứ trưởng trước khi được luân chuyển về Ninh Thuận một nhiệm kỳ (2010-2014).
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Sau đó ông trở lại Bộ KH&ĐT và được tái bổ nhiệm làm Thứ trưởng cho đến khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng.
Bộ trưởng - chuyên gia tư pháp
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng là người kỳ cựu của Bộ này, bắt đầu công tác tại ngành từ năm 1987.
Ông Long có quá trình tu nghiệp tại nước ngoài bài bản, từ cử nhân Luật (tại Liên Xô), đến thạc sỹ Luật (tại Canada) và tiến sĩ Luật quốc tế (tại Nhật Bản). Bộ trưởng thông thạo hai ngoại ngữ (Anh, Nga). Ông là tác giả của nhiều bài báo nghiên cứu về pháp luật quốc tế trên các tạp chí chuyên ngành của nước ngoài.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long |
Ông trải qua nhiều vị trí công tác trong Bộ (Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật....), là chuyên gia trong nhiều dự án luật, đặc biệt tham gia xây dựng Hiến pháp.
Ông có nhiệm kỳ luân chuyển về Hà Tĩnh trong 5 năm trước khi quay trở lại Bộ Tư pháp cho đến khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng.
Bộ trưởng - Nhà giáo
Xuất thân từ Đại học Quốc gia Hà Nội, từ khi là một giảng viên (1989) cho đến khi trở thành Giám đốc, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ là Nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu lâu năm, có 30 năm kinh nghiệm giảng dạy trong và ngoài nước.
Ông từng nghiên cứu sau Tiến sĩ theo chương trình học giả Fulbright tại Đại học Georgetown của Mỹ, làm tiến sĩ (ngành kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế tại Viện Kinh tế thế giới), học sau đại học tại Anh (Đại học Manchester), có danh hiệu Tiến sĩ danh dự của các trường Đại học Moscow (Nga), Đại học Kinki (Nhật Bản)...
Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ |
Khởi nghiệp từ giảng viên khoa Kinh tế (nay là Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), ông bắt đầu công tác quản lý khi làm tại phòng Hành chính - Đối ngoại, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, rồi Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của trường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế phát triển, khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Từ năm 2007 đến đầu năm 2011, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là Phó giám đốc (từ 9/2010), rồi Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (từ tháng 2/2013).
Bộ trưởng - Nhà báo
Tân Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn về công tác tại Bộ TT&TT từ tháng 2/2014. Khi đó, vừa chuyển công tác tại Ban Tuyên giáo TƯ (Phó Trưởng Ban) về Bộ, ông đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng phụ trách mảng báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình và thông tin đối ngoại.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn |
Ông nhận nhiệm vụ đúng vào thời điểm Bộ TT&TT phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ quan trọng như quy hoạch báo chí, triển khai Nghị định 72 về quản lý các dịch vụ Internet - thông tin trên mạng, trình Quốc hội luật Báo chí sửa đổi.
Trước khi được bổ nhiệm, ông từng đảm nhận nhiều chức vụ như Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo TƯ tại Đà Nẵng; Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo TƯ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ.
Tân Thống đốc trẻ tuổi
Trong Chính phủ mới, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có tuổi đời trẻ nhất (46 tuổi).
Trước khi làm Thống đốc, ông là Phó chánh Văn phòng TƯ Đảng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng |
Thực tế ông là người trong ngành ngân hàng trước khi được điều động giữ chức Phó chánh Văn phòng TƯ Đảng cuối năm 2014.
Ông từng là 1 trong 6 Phó thống đốc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Ngân hàng Nhà nước, từng là ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Từ Hiệu trưởng đến Bộ trưởng
Ông Trần Tuấn Anh trước khi làm Bộ trưởng Công thương là 1 trong 7 Thứ trưởng của Bộ này.
Ông từng làm hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, nguyên là Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco.
Trong thời gian công tác tại Bộ Công thương, ông từng phụ trách các quan hệ song phương, phát triển thị trường và các vấn đề liên quan đến xử lý tranh chấp thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp ở nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam tại các nước châu Mỹ.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh |
Ông cũng được phân công chỉ đạo ngành Công thương 13 tỉnh miền Tây Nam bộ, trực tiếp chỉ đạo các Cục: Xuất nhập khẩu, Xúc tiến thương mại; các Vụ: Hợp tác quốc tế, Thị trường châu Mỹ; các Viện: Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Nghiên cứu thương mại...
Từ khoa học Mỏ đến Bộ trưởng
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà xuất thân là người trong ngành tài nguyên, môi trường.
Có bằng tiến sĩ chuyên ngành khai thác Mỏ (Đại học Mỏ Matxcơva, Liên Xô năm 1989), ông trải qua nhiều vị trí tại Bộ: Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường, Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục Môi trường, Thứ trưởng.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà |
Đầu năm 2009, ông được Ban bí thư TƯ điều động luân chuyển về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010.
Kể từ tháng 7/2010, ông được điều động trở lại Bộ TN&MT, giữ chức Thứ trưởng cho đến khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng.
Linh Thư - Ảnh: Phạm Hải - Hoàng Long