- Tham nhũng vẫn là nội đung đứng thứ 3 trong danh mục các nhóm vấn đề đáng quan ngại nhất năm 2015.
Kết quả khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) được công bố hôm nay nhìn lại quá trình 5 năm (2011-2015) với nhiều góc nhìn người dân đánh giá nhiệm kỳ Chính phủ.
Kết quả PAPI cho thấy điểm sáng của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua là sự cải thiện trong cung ứng các dịch vụ công: điện, đường, trường, trạm được người dân đánh giá cao.
Cung ứng dịch vụ công, cùng với thủ tục hành chính là 2 trong 6 chỉ số có điểm số tăng và khá ổn định trong 5 năm qua.
Nhưng vẫn còn 4 chỉ số chưa được cải thiện và thiếu ổn định trong suốt 5 năm đòi hỏi chính quyền các tỉnh thành nỗ lực nhiều hơn.
Kết quả khảo sát PAPI liên quan đến tham nhũng |
Đó là chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân và tham gia của người dân ở cấp cơ sở.
TS. Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) - đơn vị tham gia thực hiện nghiên cứu PAPI cho hay, dù chính quyền các tỉnh thành có tiến bộ nhẹ trong phòng chống tham nhũng nhưng không nhiều.
Về tổng thể của chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, năm 2015 tiếp tục giảm sút, giảm 3% so với năm 2014.
Trong đó điểm số nội dung thành phần kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương giảm mạnh nhất, xuống mức của năm 2011 sau khi tăng nhẹ vào năm 2013.
Điểm đáng khích lệ của là sau 5 năm, hơn 1/3 tỉnh thành có mức độ cải thiện đáng kể, với điểm trung bình tăng từ 5% trở lên so với năm 2011.
Trong đó Trà Vinh là tỉnh có điểm số cao nhất, tăng đến 47% sau 5 năm; Cao Bằng tăng 33%.
TS Đặng Hoàng Giang |
Tuy nhiên, TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương lại là 3 tỉnh có số điểm giảm nhiều nhất, từ 15% - 32%. Hà Nội cũng ở trong nhóm điểm thất nhất trong 5 năm liên tục.
Kết quả PAPI cho thấy, tham nhũng vẫn đứng thứ 3 trong danh mục các nhóm vấn đề đáng quan ngại nhất năm 2015.
TS Đặng Hoàng Giang cũng cho biết, mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân ngày càng tăng.
Các năm trước, hầu hết người dân trả lời sẽ tố cáo tham nhũng khi số tiền đòi hối lộ ở mức 5-10 triệu thì năm nay con số này tăng lên 25 triệu.
Năm 2015, tỉ lệ người bị cán bộ vòi vĩnh nói tố giác chỉ gần 3%, giảm 7,5% so với năm 2011.
“Đây là điều đáng quan ngại, thể hiện việc người dân chấp nhận “sống chung với lũ”, ông Giang nhận xét.
Chủ nghĩa "vị thân" để vào khu vực công
Kết quả khảo sát PAPI giai đoạn 2011-2015 cho thấy “chủ nghĩa vị thân” và quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân lực đã trở thành "vấn nạn" trong khu vực công. Việc tuyển dụng công chức, viên chức phần lớn không dựa trên năng lực thực sự mà dựa trên quan hệ cá nhân.
Khảo sát ghi nhận ở Hà Nội chỉ có khoảng 14% số người được hỏi cho biết họ không phải lót tay mới xin được việc vào cơ quan nhà nước.
Khảo sát cho thấy tầm quan trọng của quan hệ cá nhân trong xin việc vào cơ quan nhà nước |
Ở Hà Giang, 2015 là năm thứ 2 liên tiếp người dân cho rằng quan hệ cá nhân có ý nghĩa rất quan trọng khi xin việc vào cơ quan nhà nước, thể hiện qua việc hầu như không có người nào trả lời cho rằng “không cần quan hệ cá nhân để xin việc vào cấp xã”.
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng một bộ máy trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó đạt được khi thân quen và lót tay là những yếu tố quyết định sự thành bại của người dân khi xin việc vào khu vực công.
TS Đặng Hoàng Giang cho hay, khi nhóm nghiên cứu hỏi mức độ thân quen khi xin việc vào cơ quan nhà nước quan trọng như thế nào, trả lời của phần lớn người dân là “quan trọng và rất quan trọng”.
“Điều đó có nghĩa, mối quan hệ thân quen là yếu tố quan trọng quyết định có xin được việc vào các cơ quan nhà nước hay không chứ không phải năng lực, ngoại ngữ, bằng cấp”, TS Giang đánh giá.
Thu Hằng