- Chi tiêu một đồng tiền của nhân dân đều phải cân nhắc, có trách nhiệm, phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả của việc đầu tư, tân Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, thuận lợi lớn của ông khi đảm nhiệm công việc tư lệnh ngành, đó là những năm gần đây ngành giao thông đã được đầu tư rất lớn tạo ra những thay đổi đáng kể, nhiều công trình lớn đã được hoàn thành, kinh nghiệm thi công các công trình lớn, hiện đại đã được nâng lên.

{keywords}

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa. Ảnh: Hoàng Long

Nỗ lực để người dân đi lại an toàn, thuận tiện

Khi nhận nhiệm vụ làm tư lệnh ngành GTVT, ông có bị sức ép từ những thành quả nổi bật của những người tiền nhiệm không?

Tôi may mắn được thừa hưởng nhiều điều tốt đẹp của những người tiền nhiệm và có trách nhiệm kế thừa truyền thống của ngành. Trách nhiệm của tôi là tiếp tục phát huy những thành quả tốt đẹp đó.

Sức ép lớn nhất đối với tôi là làm thế nào để cùng với tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên của ngành giao thông vận tải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trong bối cảnh khó khăn thách thức đang gia tăng, công việc rất nhiều và nặng nề. Nợ công đã chạm trần, tai nạn giao thông vẫn là nỗi lo thường trực ám ảnh mỗi người dân.

Các nguồn lực đầu tư cho giao thông ngày càng hạn chế, trong khi người dân, đất nước đòi hỏi phải tiếp tục hiện đại hoá hạ tầng giao thông và hệ thống vận tải, nhằm đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Toàn bộ kế hoạch phát triển của ngành trong 5 năm tới đã có, đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 thông qua. Tôi sẽ cố gắng tối đa thực hiện tốt nhất chức trách và nhiệm vụ được giao, nỗ lực hết sức mình vì sự phát triển của ngành GTVT.

Mỗi ngày chắc chắn chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để người dân đi lại an toàn, thuận tiện. Giao thương thuận lợi hơn sẽ giúp kinh tế tăng trưởng.

Tuy nhiên, để làm tốt việc này, ngành giao thông cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân.

Bộ trưởng xem điều gì là quan trọng nhất trong nhiệm kỳ mới của mình?

Công việc còn rất nhiều và ngổn ngang, tôi e rằng trong 5 năm nhiệm kỳ khó có thể làm hết những gì mình mong muốn. Tuy nhiên, có một điều phải làm bằng được, đó là tiếp tục đổi mới. Chỉ có đổi mới, ngành mới có thể phát triển.

Cụ thể, cần đổi mới phong cách quản lý, lãnh đạo; đổi mới tư duy; đổi mới phương pháp làm việc.

Tiếp tục cải cách hành chính, gắn trách nhiệm cá nhân vào các quyết định cụ thể, vào từng công việc cụ thể, bám sát cơ sở và thực tiễn cuộc sống.

Thời gian vừa qua, nhất là trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Đinh La Thăng, khâu cải cách hành chính của Bộ được tiến hành rất tốt, rất thành công và tôi sẽ tiếp tục sự nghiệp đó.

Chắt chiu từng cơ hội

Những công việc nào sẽ được ông ưu tiên?

Có một số vấn đề nóng, dư luận bức xúc, cử tri cả nước quan tâm, báo chí cũng nói nhiều trong thời gian gần đây, như các dự án BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông; tai nạn giao thông tuy đã giảm nhiều năm liên tiếp nhưng vẫn cao, đe doạ trực tiếp tài sản và tính mạng của người dân; hạ tầng giao thông một số nơi yếu kém; công tác đầu tư, giải ngân tại các dự án cần được công khai, minh bạch hơn; có sự chồng chéo trong quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng và một số lĩnh vực; ứng dụng công nghệ cao vào xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý cần tiếp tục được đẩy mạnh...

Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi sẽ cho rà soát lại từng việc cụ thể và sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, và sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí và để người dân biết, giám sát.

Trong công tác đầu tư, chúng tôi sẽ giữ nguyên tắc là chi tiêu một đồng tiền của nhân dân đều phải cân nhắc, có trách nhiệm, phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả của việc đầu tư.

Trong điều kiện kinh tế đất nước tiếp tục khó khăn như hiện nay, nợ công Chính phủ đã chạm trần, các định chế tài chính nước ngoài cho vay ODA thời hạn ngắn, không dài như trước nữa, vậy ông sẽ huy động các nguồn vốn thế nào để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao?

Nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển hiện nay chủ yếu là đi vay, cho nên trông chờ vào vốn ngân sách nhà nước là cực kỳ gian nan.

Chúng ta đã hội nhập với khu vực và thế giới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký năm ngoái, các Hiệp định FTA khác đã ký và dần có hiệu lực, điều đó đặt ngành giao thông đứng trước cơ hội và thách thức.

Chúng tôi sẽ tranh thủ nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội để phát triển hạ tầng giao thông, phát triển và phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải để tạo cơ sở vững chắc cho các ngành kinh tế khác, các địa phương phát triển.

Sau khi rà soát lại, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, dự án nào sẽ tiếp tục triển khai, dự án nào sẽ phải điều chỉnh và dự án nào phải dừng.

Để đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tôi nghĩ không còn cách nào khác là phải hoàn thiện thể chế, tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng và hiệu quả hơn để kêu gọi thêm nhiều nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó, kết hợp sử dụng có hiệu quả, hợp lý các nguồn vốn khác từ ngân sách, ODA và các nguồn vốn khác.

Vậy việc hiện đại hóa hệ thống đường sắt, trong đó nhiệm vụ quan trọng là xây dựng đường sắt tốc độ cao mà người dân đang rất mong chờ thì sao thưa ông?

Dù đường sắt gần đây có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn, tuy nhiên về cơ bản, hạ tầng đường sắt của Việt Nam còn lạc hậu với đường sắt khổ 1m.

Về lâu dài, nhất thiết phải đầu tư đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên, khi nguồn lực có hạn, chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng, phân kỳ đầu tư, những đoạn nào cấp thiết làm trước, ít cấp thiết hơn làm sau để tạo hiệu quả đầu tư.

Vũ Điệp (ghi)