- Trước những thông tin về phần đường trên tuyến cầu vượt đường sắt Hà Nội sử dụng bê tông cốt... xốp để thi công trong dự án 6.000 tỷ tại phường Kiến Hưng (Hà Đông), Ban Quản lý dự án Giao thông 2 (Sở GTVT Hà Nội) cung cấp hàng loạt thông tin.

Vị trí phát hiện xốp là ở khu vực cầu vượt đường sắt tại lý trình Km0+938,29 thuộc dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) được thi công từ năm 2012. Đến nay, mới cơ bản xong kết cấu chính và thông xe đảm bảo giao thông (chưa hoàn thiện bàn giao đưa vào sử dụng). 

{keywords}

Theo Ban Quản lý dự án Giao thông 2, tấm xốp diện tích 40cm x 40cm để định vị những vị trí đấu nối luồn cáp vào chân cột đèn chiếu sáng

Cầu chưa bố trí xong hệ thống thoát nước mặt cầu, hệ thống chiếu sáng chưa thi công xong (mới luồn dây đấu tạm năm 2014 đầu năm 2015).

Liên quan đến việc phần móng trụ cột đèn chiếu sáng trên cây cầu này lộ rõ lớp xốp (dày khoảng 3-4 cm) xen giữa bê tông và cát, Ban Quản lý dự án Giao thông 2 cho hay, theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt, dưới chân lan can cầu vượt đường sắt (trước chân cột điện chiếu sáng) sẽ bố trí hộp điện phục vụ đấu nối để cấp điện cho hệ thống chiếu sáng. 

Cầu vượt đường sắt đã thông xe từ năm 2012 khi thi công đã đặt bản bê tông cốt thép kê làm phần vỉa hè người đi bộ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó chưa lắp đặt đường dây cấp điện, hệ thống chiếu sáng. Do vậy, trong quá trình thi công đấu điện tạm để chiếu sáng đơn vị thi công đã đục bản bê tông cốt thép làm phần vỉa hè người đi bộ.

Sau đó, đặt 1 tấm xốp diện tích 40 x 40cm để định vị những vị trí đấu nối luồn cáp vào chân cột đèn chiếu sáng và lát gạch vỉa hè để tiện cho việc phá dỡ luồn cáp sau này.

Đầu năm 2015, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội về điều tiết, tổ chức giao thông an toàn, phân luồng xe tải đi vào tuyến đường trục phía Nam (đoạn Km0 - Km9+300) trong giờ cao điểm, giảm tải cho quốc lộ 21B, Cienco 5 (nhà đầu tư dự án) cho phá dỡ các viên lát vỉa hè tại sát vị trí cột chiếu sáng để đi đường dây tạm, xông điện cho 24 cột chiếu sáng. 

Đơn vị thi công chưa hoàn thiện các vị trí lỗ đục trên vỉa hè và còn để lại hiện trạng từ đầu năm 2015 cho đến thời điểm báo chí phản ánh.

Ban Quản lý dự án Giao thông 2 cho rằng, việc để các vị trí lỗ chờ chậm hoàn thiện là nhà đầu tư còn sai sót, ảnh hưởng đến mỹ quan, an toàn của người đi bộ, đồng thời việc tổ chức thi công phần điện chiếu sáng chưa hợp lý đồng bộ với việc thi công vỉa hè (phải đục lỗ phá dỡ để đi dây cho cột điện chiếu sáng).

{keywords}

Bản vẽ thi công được duyệt

Ban Quản lý yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh: chính thức đi dây điện, đấu điện vào các hộp điện, thay thế các tấm bản bê tông cốt thép và các viên gạch lát hè đã bị ảnh hưởng.

Về nội dung phản ánh đường sụt lún, bong tróc, nứt gãy, theo Ban Quản lý dự án Giao thông 2 đây là vị trí khe co giãn giữa mố và nhịp cầu vượt đường sắt (phạm vi tiếp giáp với vỉa hè). Theo thiết kế, khe co giãn tại vị trí mố và nhịp cầu (tại phạm vi tiếp giáp với vỉa hè) rộng 10cm đã được quy định trong bản vẽ và thực tế hiện trường các bên kiểm tra là phù hợp với hồ sơ thiết kế, không có hiện tượng nứt vỡ.

Còn các vị trí bong tróc, lún khi xe chạy, Ban Quản lý dự án Giao thông 2 cho biết đây là vị trí phần lề của đường dẫn, đầu cầu sát mố cầu vượt đường sắt đang trong quá trình thi công hoàn thiện. Sau này sẽ bố trí vỉa hè khi thi công nhà đầu tư có tưới nhựa dính bám một số vị trí có đổ bê tông nhựa thừa khi xe chạy vào phần đất này có lún (không phải mặt đường bê tông nhựa bị lún).

Trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) cho biết: Đây là dự án thuộc UBND TP Hà Nội quản lý nên Tổng cục không có ý kiến. Tuy nhiên về mặt chuyên môn, có thể nhận thấy việc thi công có kê lớp xốp bên dưới như tại cầu vượt đường sắt Hà Nội là không đúng và rõ ràng sẽ dẫn đến chất lượng kém.

Phong Vân